Vụ nữ phi công Trung Quốc J-10 tử nạn là 'một cú sốc'

Nữ phi công Trung Quốc Yu Xu. Ảnh: SCMP.
Nữ phi công Trung Quốc Yu Xu. Ảnh: SCMP.
Cái chết của Yu Xu, nữ phi công đầu tiên lái chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc, làm dấy lên kêu gọi tăng thời gian đào tạo. Trong khi đó bạn bè cùng lớp nạn nhân mô tả cái chết của Yu là cú sốc. 

Yu Xu, 30 tuổi, hôm 12/11 qua đời khi tiêm kích J-10 hai chỗ do cô điều khiển rơi ở tỉnh Hà Bắc. Phi công đồng hành với cô đã kịp thoát ra khỏi máy bay. Bạn cùng lớp mô tả cái chết của Yu là cú sốc. 

Nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải Ni Lexiong cho biết đã có nhiều tai nạn liên quan đến J-10 nhưng nguyên nhân không được công bố. Ni cho rằng cần phải có ít tai nạn đi nhưng nói thêm rằng chúng cũng là "cái giá phải trả" cho việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Đã có một loạt tai nạn liên quan đến J-10 trong vài năm qua, gần đây nhất là ngày 28/9, khi một máy bay rơi gần căn cứ không quân Yangcun ở Thiên Tân sau khi đâm vào chim. Hồi tháng 5, một máy bay J-10 rơi ở Thái Châu, Chiết Giang.

Năm ngoái xảy ra ba vụ tai nạn J-10 ở Thẩm Dương, Hồ Châu và Thái Châu. Tháng 11/2014, một chiến đấu cơ J-10B rơi ở ngoại ô Thành Đô, làm bị thương ít nhất 7 người trên mặt đất.

Nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong cho rằng tiêu chuẩn để vào đội phi công nhào lộn cần được nâng lên. Trung Quốc chỉ yêu cầu khoảng 1.000 giờ bay để trở thành phi công, so với 1.500 giờ ở các nước phát triển.

"Nhuệ khí của đội nhào lộn sẽ bị ảnh hưởng. Đội không gặp sự cố như thế này trong một thời gian dài", Wong nói.

"Nếu tai nạn như vậy xảy ra trong triển lãm hàng không ở Chu Hải, đó sẽ là một thảm họa vì có thể gây ra nhiều thương vong", ông nhận xét. Trước khi thiệt mạng gần hai tuần, Yu đã tham gia vào triển lãm hàng không tại Chu Hải, điều khiển một chiếc J-10 để trình diễn nhào lộn.

Vụ nữ phi công Trung Quốc J-10 tử nạn là 'một cú sốc' ảnh 1

Nữ phi công Trung Quốc Yu Xu. Ảnh: SCMP.

'Không hối tiếc'

Yu, sinh ra tại Thành Đô, Tứ Xuyên, là một trong số 35 phụ nữ được tuyển làm thực tập sinh phi công tháng 7/2005. Chỉ 16 người trong số này, bao gồm Yu, tốt nghiệp 4 năm sau đó và trở thành các nữ phi công tiêm kích đầu tiên của Trung Quốc. Yu cũng là một trong 4 nữ phi công Trung Quốc có thể lái chiến đấu cơ thế hệ thứ ba.

Cùng với nhóm 15 nữ phi công, Yu đã xuất hiện trong buổi gala mùa xuân của CCTV năm 2010, vài tháng sau khi lần đầu tiên biểu diễn trong cuộc diễu binh tháng 10/2009, kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc.

Cô được đặt biệt danh "công vàng" vì từng biểu diễn điệu múa con công ở trường không quân năm 2005.

Theo CNR, Yu cho biết cô không bao giờ cảm thấy hối hận về việc trở thành phi công. "Đôi khi tôi ghen tị với những người cùng tuổi, nhưng đó chỉ là cảm giác nhất thời. Tôi đã chọn một con đường khác cho cuộc sống, một nghề nghiệp khác và mục tiêu khác để theo đuổi. Tôi không cảm thấy hối tiếc khi chọn làm phi công", Yu từng nói. Cô cũng mơ ước trở thành phi hành gia.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG