Tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp 10 vào sáng 19/10, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, một trong những đổi mới căn bản tại kỳ họp này là việc chất vấn và trả lời chất vấn. Thay vì chất vấn một từng thành viên Chính phủ trên cơ sở lựa chọn trước đó, tại kỳ họp 10 này, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn tổng thể trong cả nhiệm kỳ.
Đầu tiên, các thành viên Chính phủ sẽ báo cáo những việc đã thực hiện tại 8 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Sau đó các Ủy ban sẽ đọc báo cáo thẩm tra các báo cáo này.
Từ những báo cáo trên, Quốc hội sẽ xem xét, những gì làm được, những gì còn tồn tại để từ đó các ĐBQH sẽ chất vấn những vấn đề còn băn khoăn, đặc biệt những việc mà các Bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa mà chưa làm được.
Trao đổi với báo chí về việc này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn vẫn giữ nguyên thời gian trong 2,5 ngày, với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Từ đó Quốc hội, các ĐBQH sẽ lựa chọn chất vấn bất cứ thành viên nào. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trả lời những gì liên quan và bao quát lại những vấn đề chung.
“Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ lại ra nghị quyết, gửi lại Quốc hội khóa sau để tiếp tục giám sát. Đây là một điểm đổi mới của Quốc hội. Cách làm mới này chưa kỳ họp nào thực hiện. Việc này cũng là để đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội”, ông Phúc chia sẻ.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội cũng tổ chức bầu Hội đồng bầu cử quốc gia để chỉ đạo việc bầu cử ĐBQH, HĐND khóa tới. Theo ông Phúc, Hội đồng bầu cử sẽ có 15 – 21 thành viên, trong đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và phê chuẩn danh sách các Phó chủ tịch. Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ công bố ngày bầu cử toàn quốc vào 22/5/2016.
Kéo dài trong 31 ngày làm việc, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII được khai mạc vào 20/10, bế mạc vào 27/11. Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 16 Nghị quyết (trong đó có 3 Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật) và cho ý kiến về 8 dự án luật.
Theo đó, nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án...
Đồng thời, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Tại kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc phân bổ ngân sách nhà nước...