Sáng 7/12, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp lần thứ 13 HĐND TPHCM khóa X, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu xoay quanh một số vấn đề liên quan công tác quản lý, điều hành trên địa bàn quận.
Đại biểu Lê Thị Trúc Lâm cho rằng, những năm qua, quận 12 đã phát triển hạ tầng, tuy nhiên chưa có được một công viên đúng nghĩa. Trong đó, có công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là dự án công viên tại khu đất 125ha thuộc phường Thới An và phường Thạnh Xuân. Trước tình hình tiến độ thực hiện dự án khá chậm, bà Lâm đề nghị lãnh đạo quận giải trình về nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp để tháo gỡ.
Đại biểu này cũng cho biết công tác quản lý trật tự xây dựng trong một số thời điểm còn chưa tốt khi có nhiều công trình vi phạm về xây dựng.
Đại biểu HĐND TPHCM chất vất tại hội trường. Ảnh: Ngô Tùng |
Trả lời các vấn đề đại biểu chất vấn, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND quận 12 cho biết Quận ủy, UBND quận luôn xác định trong lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế – xã hội thì luôn quan tâm đến phát triển mảng xanh trên địa bàn.
Trong năm qua, quận đã đầu tư được 30 công viên cây xanh, đầu tư 101 mảng xanh công cộng với diện tích 273.158m2. Cùng với đó, từ 2021 đến nay, UBND quận đã thực hiện xã hội hóa thêm nhiều mảng xanh công cộng với tổng diện tích trên 32.000 m2.
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức trả lời các vấn đề. Ảnh: Ngô Tùng |
“Hiện quận cũng đang chủ động phối hợp với Ban Quản lý đầu tư, xây dựng hạ tầng TPHCM phát triển hai mảng xanh, đó là công viên cây xanh tại khu đất phường Thạnh Lộc với diện tích 3,37ha và một vị trí ở phường Tân Chánh Hiệp khoảng 2,7ha”, ông Đức thông tin thêm và cho biết hiện quận đang thực hiện các thủ tục đề xuất thành phố bố trí vốn, dự kiến năm 2024 hoàn thành.
Đối với dự án công viên 150ha ở phường Thạnh Xuân – phường Thới An, ông Đức cho biết quận đã giữ quy hoạch công viên này nhiều năm và đây cũng là công trình trọng điểm đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận.
Theo đó, trong năm 2022, quận đã phối hợp sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức lấy ý tưởng quy hoạch từ chuyên gia trong và ngoài nước. Trên cơ sở góp ý đó, UBND quận đề xuất UBND thành phố chấp nhận chủ trương để quận phối hợp sở QH-KT thi ý tưởng kiến trúc quy hoạch.
Nói về nguyên nhân chậm thực hiện dự án, Chủ tịch UBND quận 12 cho rằng do công viên có diện tích lớn đến 150ha, nằm trên địa bàn hai phường. Riêng phường Thạnh Xuân đã có 26 đồ án quy hoạch, tuy nhiên phần khu vực công viên chưa có quy hoạch phân khu 1/2.000 cho nên phải chờ quy hoạch này, dẫn đến thủ tục chậm.
“Công viên này là tâm huyết, là điểm nhấn của khu vực và thành phố, do đó kiến nghị thành phố bố trí kinh phí thi ý tưởng đề xuất quy hoạch, đồng thời cũng mong đại biểu quan tâm giúp bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để quận thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với khoảng 444 hộ”, ông Đức trao đổi thêm.
Đánh giá cán bộ, đảng viên qua công tác quản lý trật tự xây dựng
Đối với tình hình trật tự xây dựng, trước khi có Chỉ thị 23 năm 2019 của Thành ủy TPHCM (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng – PV), ông Đức cho hay tình hình vi phạm trật tự xây dựng có chiều hướng tăng cao, diễn biến phức tạp.
Thời điểm đó cũng không có quy định xử lý, cưỡng chế về ngừng cung cấp điện, nước. Nhưng từ khi có Chỉ thị 23, Quận ủy – UBND huyện tập trung quyết liệt để bằng mọi giá chuyển hóa về tình hình trật tự xây dựng.
Quận tổ chức triển khai trong hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng của quận và yêu cầu tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị cam kết không vi phạm về trật tự xây dựng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, đối thoại với nhân dân để lắng nghe người dân đóng góp cho công tác quản lý, điều hành về công tác trật tự xây dựng.
“Trong đánh giá cán bộ hàng quý cũng có các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực trật tự xây dựng. Trong đó, nếu cán bộ, đảng viên vi phạm vấn đề này thì đưa vào đánh giá hàng quý”, ông Đức nêu rõ.
Về giải pháp, Chủ tịch quận 12 cho biết quận cũng sử dụng phần mềm GIS chụp không ảnh để quản lý, giám sát việc quản lý đô thị, bồi thường đất đai, quy hoạch của cán bộ trong quá trình thực hiện, đồng thời phát huy vai trò giám sát của tổ chức mặt trận, đoàn thể và nhân dân.
“Qua 4 năm từ khi có Chỉ thị 23, số vụ việc vi phạm trên địa bàn quận giảm rõ rệt và sự điều hành, quản lý cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Số vụ vi phạm giảm 80% so với trước khi có chỉ thị này”, ông Đức nói.
Nhìn nhận quận 12 có quỹ đất công lớn, đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đề nghị Chủ tịch quận làm rõ thêm về thực trạng quản lý, khai thác trong thời gian qua cũng như các giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời điều này, ông Nguyễn Văn Đức cho biết quận 12 có nhiều khu đất do TPHCM, các cơ quan trung ương và các tổ chức giao quản lý, sử dụng. Có 50 khu đất có nguồn gốc do nhà nước trực tiếp quản lý, trong đó có 6 khu do tổng công ty nhà nước và 44 khu do các tổ chức quản lý và sử dụng không hiệu quả.
“Qua công tác kiểm tra, quận cũng đề xuất thành phố thu hồi để giao cho quận đầu tư hạ tầng công cộng, đầu tư trường học”, ông nói và cho biết thời gian qua cũng đã thực hiện được một số công trình trường học.