Chiều 6/12, Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm) HĐND TPHCM khóa X đã tiến hành thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế – xã hội năm 2023, giải pháp thực hiện năm 2024.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho rằng năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn đối với thành phố. Cho đến tháng 10 thành phố mới có tín hiệu đáng mừng về tăng trưởng. Trong bối cảnh chung này, huyện Củ Chi cũng gặp khó, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Ngô Tùng |
“Trong năm 2024, thành phố cần bổ sung phương hướng chăm lo đối với hộ chính sách, hộ nghèo, công nhân thất nghiệp. Vấn đề này thành phố đã quan tâm nhưng năm 2024 đặc biệt cần quan tâm hơn nữa”, bà Hiền đề xuất.
Đại biểu Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, cử tri bày tỏ lo lắng với tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Tăng Hữu Phong nêu ý kiến. |
Theo ông, các tập đoàn, công ty lớn cũng như nhiều hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn, giao dịch mua bán các mặt hàng đang chậm lại. Trong khi đó, bà con lo lắng khi mùa Tết đang đến giữa lúc đời sống gặp nhiều khó khăn… “Do vậy, cử tri mong muốn thành phố có giải pháp phù hợp để thị trường ngày càng sôi động, hoạt động hiệu quả hơn”, ông Phong nói.
Chăm lo Tết cho nhiều đối tượng
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh cho biết sở đã có kế hoạch chăm lo đối tượng xã hội, người nghèo, người có công. Theo đó, sở đề xuất thành phố chăm lo với nguồn lực 916 tỷ đồng, tăng 4% so với Tết năm ngoái. Phần tăng này là để chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn khó khăn và các đối tượng xã hội khác. Việc này đang trình lãnh đạo thành phố và xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Văn Thinh trao đổi ý kiến các đại biểu. Ảnh: Ngô Tùng |
Bên cạnh đó, sở cũng lên kế hoạch chăm lo cho công nhân lao động, đồng thời triển khai công tác theo dõi tình hình trả lương, thưởng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố cũng có kế hoạch chăm lo, dự kiến chăm lo cho 139.000 trường hợp công nhân khó khăn, với trên 71 tỷ đồng. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các địa phương cũng có kế hoạch chăm lo riêng.
Ông Thinh cũng cho biết, năm 2024, sở sẽ tham mưu ban hành chính sách chăm lo người có công trên địa bàn thành phố. Trước đó, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 126, chính sách Trung ương cũng đã thay đổi và điều kiện sống của người có công cũng đã thay đổi.
Mặt khác, hướng đến kỷ niệm 50 năm giải thống nhất đất nước, sở cũng đã đăng ký hai công trình thi đua cấp thành phố là tập trung công tác xóa nghèo và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có công.
Bất an nạn lừa đảo công nghệ cao
Đại biểu Tăng Hữu Phong cũng nêu lên tình hình an ninh trật tự, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp khiến người dân lo lắng.
“Nhiều cô bác về hưu tích cóp chút tiền lương hưu chỉ qua vài cuộc điện thoại thì bị lấy mất, cả người đi làm cũng đôi khi bị rơi vào bẫy này”, ông Phong cho hay và nhìn nhận cách thức phạm tội công nghệ cao hiện gây ra nhiều bất an trong cộng đồng, ngành chức năng cần có giải pháp giải quyết.