Quận Hoàn Kiếm: Phát huy giá trị những vườn hoa di sản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thực hiện chương trình 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Thành phố và Chương trình 04-CTr/QU ngày 06/8/2021 của Quận ủy về “Cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị”, quận Hoàn Kiếm đã và đang triển khai kế hoạch cải tạo nhiều vườn hoa trên địa bàn nhằm gìn giữ các vườn hoa được xem là di sản, đồng thời để người dân và du khách được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình công cộng.

Quận Hoàn Kiếm: Phát huy giá trị những vườn hoa di sản ảnh 1

Vườn hoa Diên Hồng được cải tạo khang trang, hiện đại với nét kiến trúc châu Âu và không gian xanh tinh tế, là địa điểm không thể bỏ qua với du khách khi đến Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm

Nhiều vườn hoa thay “áo mới”

Các vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gắn liền với sự hình thành và phát triển của khu phố Pháp trước đây. Dựa trên nguyên lý quy hoạch theo mạng lưới đường ô bàn cờ của khu phố Pháp và mạng lưới đường trong khu phố cổ, tạo nên sự giao thoa tại ranh giới giữa khu phố Pháp và khu phố cổ, từ đó hình thành các ô đất nhỏ, đóng vai trò vừa là sân chơi vườn hoa công cộng, vừa là đảo giao thông hình tam giác rất đặc trưng của lối quy hoạch và kiến trúc Pháp.

Để bảo tồn những giá trị, ngay từ giai đoạn lên phương án thiết kế cải tạo quận Hoàn Kiếm đã đặt những tiêu chí cao về công năng, thẩm mỹ, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo cảnh quan đô thị. Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở ngành thành phố để xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn, kiến trúc.

Từ năm 2019 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã triển khai cải tạo và đưa vào sử dụng nhiều vườn hoa trung tâm, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng lãm mỗi dịp cuối tuần như cụm công trình: Vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, Tây Sơn, Mê Linh…

Mới nhất, trong năm 2023, quận Hoàn Kiếm tiếp tục hoàn tất chỉnh trang đưa hai vườn hoa “vùng lõi” vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân Thủ đô.

Thực hiện chương trình hành động giữa UBND Thành phố Hà Nội và Hội đồng Vùng Île-de-France (Pháp); Tờ trình về triển khai các dự án hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Vùng Île-de-France; Văn bản của UBND thành phố Hà Nội về triển khai các dự án hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Île-de-France. Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện PRX - Đại diện vùng Île-de-France tại Việt Nam và đơn vị tư vấn DE-SO (Pháp) nghiên cứu xây dựng “Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm” đối với vườn hoa Diên Hồng theo hướng phát triển các không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, kết hợp mở rộng các không gian cho người đi bộ, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị trong phạm vi dự án, gắn với việc tu bổ công trình và chiếu sáng cảnh quan.

Vườn hoa Diên Hồng có diện tích 4.240m2, nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, vị trí giao giữa các phố Ngô Quyền - Lý Thái Tổ - Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm. Đây là công trình được người Pháp xây dựng nhằm tưởng nhớ Phó Toàn quyền Đông Dương Léon Jean Laurent Chavassieux (1848 - 1895). Vườn hoa được bố trí với những đường dạo bao quanh đài phun nước hình tròn được xây ở giữa vườn hoa, công trình có kiến trúc tinh tế, hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông và phương Tây, công trình đã đưa vào sử dụng hơn 100 năm. Vườn hoa được cấu trúc lại với tâm điểm là đài phun nước, các thảm cỏ có cây bóng mát. Phân chia không gian giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi của vườn hoa: Lát lại hè, đường dạo bằng vật liệu phù hợp với hệ cây xanh; quy hoạch, bổ sung cây xanh, thảm cỏ theo hướng trồng các dải cây tầm thấp dọc theo vỉa hè để cách ly giữa không gian vườn hoa với đường phố; trồng bổ sung các loài cây có tán cao, giải phóng tầm nhìn hướng về mặt tiền các công trình trọng điểm; đầu tư trang thiết bị đô thị đồng bộ như thùng rác, ghế ngồi, hệ thống chiếu sáng...

Vườn hoa Tao Đàn có diện tích 1.550 m2, nằm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, vị trí giao của phố Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú và Lê Thánh Tông. Đây là vườn hoa có dải cây xanh lâu năm hai bên đường Lê Thánh Tông, trung tâm vườn hoa là tượng Jose Marti. Vườn hoa có vai trò kết nối không gian kiến trúc cảnh quan khu vực với các công trình quan trọng như trường Đại học Dược, quần thể Đại học Tổng hợp. Phương án thiết kế gồm các hạng mục như lát lại hè, đường dạo bằng vật liệu phù hợp với hệ cây xanh; quy hoạch, bổ sung cây xanh, thảm cỏ theo hướng trồng các dải cây tầm thấp dọc theo vỉa hè để ngăn giữa không gian vườn hoa với đường phố; cắt tỉa cây xanh có tán cao, giải phóng tầm nhìn hướng về mặt tiền các công trình trọng điểm; lát đá của phần chân tượng đài đài Jose Marti là chủ thể của vườn hoa, đầu tư trang thiết bị đô thị...

Công trình khởi công ngày 8/8/2023, được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam - Cuba (02/12/1960-02/12/2023).

Quận Hoàn Kiếm: Phát huy giá trị những vườn hoa di sản ảnh 2

Vườn hoa Tao Đàn đã khoác lên tấm “áo mới” hiện đại và gần gũi hơn với người dân và du khách. Ảnh: Duy Phạm

Thêm nhiều vườn hoa sắp được chỉnh trang

Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, trong năm 2024, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai các các dự án vườn hoa khác để tăng tính kết nối, hoàn chỉnh không gian đô thị trên địa bàn quận như: vườn hoa Đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Cửa Nam …

Vườn hoa Lý Thái Tổ nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, với diện tích khoảng 10.040m2, được bao quanh bởi các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai và Ngô Quyền. Vườn hoa có vị trí quan trọng trong việc kết nối Hồ Gươm với vùng phụ cận bao gồm: vườn hoa Diên Hồng, không gian quảng trường Ngân hàng Nhà nước; các công trình kiến trúc như trụ sở UBND thành phố Hà Nội, trụ sở Thành ủy Hà Nội, nhà khách Chính phủ, khách sạn Metropole... Khu vực tượng đài vua Lý là một phần không gian công cộng gắn liền trung tâm hành chính chính trị, đồng thời là khu vực cần bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cổ như Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Metropole... Vườn hoa được cải tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2004, đến nay đã xuống cấp, không đồng bộ.

Vườn hoa Bà Kiệu có diện tích khoảng 2.275,6m2 được bao quanh bởi 03 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Dầu và Lò Sũ thuộc quận Hoàn Kiếm. Đền Bà Kiệu là di tích lịch sử cấp quốc gia với công trình nhà 01 tầng mái ngói, diện tích khoảng 265m2 và một số công trình xung quanh.

Đánh giá về ý nghĩa của các dự án cải tạo và chỉnh trang vườn hoa trên địa bàn, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Việc cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa trong thời gian vừa qua luôn được Quận ủy, UBND quận quan tâm nhằm quy hoạch, trả lại các lại chức năng vốn có của các vườn hoa di sản. Đồng thời tạo bổ sung thêm cây xanh gắn với các tiện ích đô thị hiện đại.

Trong thời gian tới, phát huy các kết quả đã đạt được, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành và chuyên gia để nghiên cứu cải tạo chỉnh trang một số vườn hoa đủ điều kiện theo hướng tích hợp với bãi đỗ xe ngầm. Qua đó sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng cảnh quan và đời sống nhân dân đồng thời góp phần giảm tải cho hệ thống hạ tầng giao thông và giải quyết trật tự đô thị.

MỚI - NÓNG