Diện mạo hồ Tây ra sao sau di dời loạt tàu gỉ sét?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với công tác tháo dỡ, di dời toàn bộ tàu thuyền gỉ sét ra khỏi hồ Tây, UBND quận Tây Hồ chủ động có một số giải pháp làm sạch nước hồ, tạo cảnh quan quanh hồ. Song song cùng việc lập Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận.

Thông tin về việc di dời loạt tàu thuyền ra khỏi hồ Tây tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua UBND quận đã nghiêm túc, chủ động chủ trì phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức di dời toàn bộ tàu thuyền, phương tiện nổi ra khỏi hồ Tây.

Việc thực hiện di dời tàu thuyền theo Thông báo 38 của UBND thành phố Hà Nội ngày 7/2/2017 về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây. Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về 1 vị trí tập kết để xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này ra khỏi hồ.

Đến trước ngày 27/4/2023, quận Tây Hồ đã di dời 143/147 phương tiện thủy ra khỏi hồ.

Diện mạo hồ Tây ra sao sau di dời loạt tàu gỉ sét? ảnh 1

Phương tiện nổi được di dời ra khỏi hồ Tây ngày 17/5/2023. Ảnh: Duy Phạm

Đối với 4 phương tiện còn lại, từ ngày 27/4/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức cưỡng chế di dời 2 phương tiện thủy của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây là tàu Nàng tiên cá Taboo và Nàng tiên cá 2; trục vớt, tháo dỡ sàn chìm của Công ty CP Sông Potomac.

Như vậy, trên mặt nước hồ Tây hiện chỉ còn một tàu có tên Potomac. Theo lý giải của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ, tàu Potomac là tài sản thi hành án của Ngân hàng TMCP Quốc dân. Do đó việc xử lý tàu Potomac cần thực hiện các quy trình để tổ chức đấu giá tài sản. "Dự kiến việc tổ chức đấu giá tài sản sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2023, ngay sau khi đấu giá xong, cơ quan thi hành án dân sự sẽ đôn đốc đơn vị trúng đấu giá thực hiện tháo dỡ. Chúng tôi cũng tính toán cả phương án hỗ trợ đơn vị trúng đấu giá tháo dỡ, di chuyển con tàu. Quyết tâm để di dời tàu sớm nhất, trả lại cảnh quan cho hồ Tây. Dự kiến việc di dời diễn ra muộn nhất trong nửa đầu tháng 7 năm nay", vị này cho biết.

Được biết, sau khi hoàn thành cưỡng chế, di dời tàu thuyền theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ tiếp tục khẩn trương triển khai loạt giải pháp để đảm bảo môi trường nước. Cụ thể là lên phương án nạo vét bùn lòng hồ, sục khí, thả bè thủy sinh... để làm sạch nước hồ. Ngoài ra, quận cũng chủ động nghiên cứu chỉnh trang hạ tầng quanh hồ như bố trí đèn điện chiếu sáng, đèn trang trí, cải tạo đường dạo, vườn hoa quanh hồ.

Diện mạo hồ Tây ra sao sau di dời loạt tàu gỉ sét? ảnh 2

Khu vực hồ Tây đoạn Đầm Bảy nay đã phong quang. Ảnh: Duy Phạm

Về mục tiêu dài hạn, UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Nội dung của đề án bao gồm việc thực hiện quy hoạch, quản lý hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý không gian chức năng; làm rõ các hạng mục kinh doanh dịch vụ, thể thao du lịch được khai thác.

Đề án dự kiến được UBND quận Tây Hồ báo cáo thành phố trong quý II/2023, làm cơ sở để quản lý và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hồ Tây, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hoá theo định hướng phát triển của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".