Quan chức Úc bị tố hối lộ những kẻ buôn người

Tàu hải quân Úc chặn tàu chở người tị nạn năm 2013. Ảnh: Getty Images
Tàu hải quân Úc chặn tàu chở người tị nạn năm 2013. Ảnh: Getty Images
TP - Chính quyền Úc đang chịu áp lực ngày càng tăng trước vụ việc các quan chức Hải quân nước này bị tố dùng tiền thuế của dân để trả tiền cho các chủ tàu chở người tị nạn để đuổi họ đi. Vụ việc khiến quan hệ Úc - Indonesia xấu đi nghiêm trọng.

Tàu chở 64 người từ Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar đang trên đường đến New Zealand thì bị một tàu hải quân Úc chặn lại. Các quan chức trên tàu Úc đã đưa tiền cho thuyền trưởng, thủy thủ đoàn để họ đưa những người tị nạn trở lại Indonesia, báo Úc Sydney Morning Herald đưa tin hôm qua. 

Theo cảnh sát trưởng Hidayat trên đảo Rote của Indonesia, 6 thành viên thủy thủ đoàn được nhận mỗi người 5.000 đô la Úc từ một quan chức hải quan Úc tên là Agus, người có thể nói tiếng Indonesia thành thạo. “Chính mắt tôi nhìn thấy tiền, mỗi người 5.000 đô bằng tờ 100 đô”, AP dẫn lời thuyền trưởng Yohanes. Vị thuyền trưởng này nói rằng, thủy thủ đoàn nhận được tổng cộng 30.000 đô la Úc, được gói trong những túi nilon màu đen.

Một lá thư gửi đến chính phủ New Zealand có chữ ký của 65 người tị nạn trên tàu nói rằng, nhóm quan chức Úc trả cho thủy thủ đoàn ít nhất 7.000 đô Úc mỗi người. “Sau đó, họ lấy tàu của chúng tôi và để lại cho chúng tôi 2 tàu nhỏ hơn kèm theo một ít thức ăn khô như bánh quy và sô-cô-la, kèm theo chỉ có 200 lít nhiên liệu cho hành trình 4-5 giờ”, bức thư viết. Hai tàu này đã dạt vào bờ hôm 31/5 sau khi va vào đá ở gần đảo Landuti thuộc Tây Rote của Indonesia, cách bờ biển Úc 500km về phía đông bắc.

Hôm qua, Thủ tướng Úc Tony Abbott một lần nữa từ chối xác nhận hay bác bỏ những cáo buộc trên. Trước đó, ông Abbott nói rằng, chính phủ Úc sẽ ngăn chặn các tàu chở thuyền nhân bằng biện pháp cần thiết. Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton ban đầu bác bỏ cáo buộc, nhưng sau đó nói rằng, chính phủ không bình luận về những trường hợp cụ thể. Phe đối lập Úc cáo buộc chính phủ sử dụng công quỹ sai mục đích và yêu cầu Kiểm toán trưởng phải rà soát lại. 

Báo Sydney Morning Herald đưa tin, lãnh đạo đảng Lao động đối lập Úc Bill Shorten đã gửi thư cho Tổng kiểm toán nhà nước đề nghị điều tra các khoản chi tiêu. Lãnh đạo đảng Xanh cũng đề nghị cảnh sát điều tra liệu việc hối lộ những kẻ buôn người có vi phạm luật của Úc hay luật pháp quốc tế hay không.

Indonesia nổi giận

Chính phủ Indonesia nói rằng, nếu chính quyền Úc thực sự trả tiền để xua tàu chở người tị nạn trở lại Indonesia, thì vụ việc này sẽ đánh dấu “mức thấp mới” trong việc xử lý tình trạng di cư. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nói rằng, Úc đang “trượt dốc” với chính sách xua đuổi người tị nạn. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, bà đã nêu vấn đề này với Đại sứ Úc tại Jakarta Paul Grigson, và rằng bà muốn nhận câu trả lời từ phía Úc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thẳng thừng bác bỏ quan ngại của Jakarta, cho rằng Indonesia chịu trách nhiệm vì đã để những kẻ buôn người hoạt động trên vùng biển của mình. “Cách tốt nhất để Indonesia giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào về Chương trình Biên giới Chủ quyền (của Úc) là thực thi chủ quyền của họ trong lãnh thổ của mình”, bà Bishop nói để đáp trả yêu cầu từ Ngoại trưởng Indonesia.

Vụ việc khiến quan hệ Úc - Indonesia thêm tồi tệ sau vụ chính quyền Indonesia gần đây cho xử tử những đối tượng buôn ma túy người Úc. Theo một cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) thực hiện gần đây, thái độ của người dân Úc đối với Indonesia rơi xuống mức thấp nhất thập kỷ, khi có đến 87% người trả lời cho rằng Jakarta cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng buôn người.

Nhà nghiên cứu Greg Fealy ở ĐH Quốc gia Úc cho rằng, quan hệ hai nước trở nên tồi tệ khi lãnh đạo cấp cao hai nước coi trọng vấn đề chính trị trong nước hơn quan hệ quốc tế. Liên Hợp Quốc đã nhận được báo cáo về vụ việc và bày tỏ báo động trước cáo buộc này, BBC đưa tin.

MỚI - NÓNG