Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt -Bài 2: Làm việc đến kiệt sức, còn bị bạo hành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những người đang chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn nhất chính là nhân viên tại tuyến y tế cơ sở, nơi đang phải gánh hàng chục đầu việc. Y bác sĩ phải làm ngày, làm đêm và luôn đối mặt với vấn nạn bạo hành, gây tâm lý hoang mang, lo sợ…
Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt -Bài 2: Làm việc đến kiệt sức, còn bị bạo hành ảnh 1
Cơ chế tiền lương bất hợp lý đối với lĩnh vực y tế khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc

Mỗi trạm y tế gánh 29 đầu việc

Trạm Y tế phường 5 (quận 8, TPHCM) hiện có 10 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ (1 người là biên chế chính thức và 1 người làm việc theo hợp đồng). Chỉ với 10 người, Trạm Y tế này đang đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 46.000 dân trên địa bàn phường, tạo nên sự quá tải khủng khiếp với các nhân viên y tế. Nếu không xảy ra dịch bệnh, trạm y tế phải thực hiện 29 chương trình y tế lớn nhỏ.

Khi dịch bệnh bùng phát, cán bộ, nhân viên tại trạm y tế gần như không có thời gian nghỉ ngơi. “Khốn khổ nhất là đợt dịch COVID-19 vừa qua, anh chị em làm việc đầu tắt, mặt tối không quản ngày đêm, không có ngày nghỉ thứ 7 hay chủ nhật. Chúng tôi chìm trong núi công việc, từ lấy mẫu xét nghiệm, phát thuốc, chăm sóc F0 tại nhà, tiêm vắc xin… Dịch COVID-19 mới cơ bản khống chế thì dịch sốt xuất huyết bùng phát. Nhiệm vụ phòng chống, xử lý các ổ dịch một lần nữa đè nặng lên vai nhân viên” - BS Lê Thanh Tuấn, Trưởng trạm Y tế phường 5 chia sẻ.

Nói về thu nhập của nhân viên tại Trạm y tế, BS Lê Thanh Tuấn thở dài: “Tôi là bác sĩ trưởng trạm, đã có thời gian công tác gần 20 năm nhưng hiện nay tổng thu nhập được hơn 8 triệu đồng. Các anh chị em khác tại trạm thu nhập chỉ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với khoản kinh phí như trên, gia đình tôi luôn trong tình trạng chật vật, gói gọn để không bị thiếu trước, hụt sau. Có đôi lúc, tôi bất mãn muốn buông xuôi. Nếu không có sự động viên, hỗ trợ từ hai bên gia đình nội ngoại để vợ chồng nuôi 2 đứa con nhỏ, chắc tôi đã bỏ việc từ lâu”.

Là người cống hiến gần hết tuổi nghề cho sự nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở, BS Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1 (TPHCM) ngao ngán: Hệ thống trạm y tế trên địa bàn Quận 1 hiện nay có tổng cộng 67 người. Trong thời gian chống dịch, mỗi trạm chỉ có từ 5 đến 7 người nhưng phải gồng gánh hết công việc. Trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế thì quá lỗi thời, lạc hậu. Các bác sĩ trạm y tế đang phải cố gắng thích ứng, sử dụng… đồ cổ để phục vụ bệnh nhân. Bản thân tôi nhiều lần muốn nghỉ việc nhưng vì đồng nghiệp vì cộng đồng nên vẫn cố gắng gắn bó đến nay”.

Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt -Bài 2: Làm việc đến kiệt sức, còn bị bạo hành ảnh 2
Cơ chế tiền lương bất hợp lý đối với lĩnh vực y tế khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc

Trung tâm y tế Quận 1 cũng từng thu hút được nhiều bác sĩ các chuyên khoa khác nhau như mắt, răng hàm mặt, da liễu, tai mũi họng... Tuy nhiên, sau thời gian làm việc vững tay nghề, nhiều người đã lẳng lặng ra đi. Sở Y tế phân công một số bác sĩ trẻ về công tác, nhưng chỉ được thời gian rất ngắn thì đều nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Cùng lúc phải đảm nhận 2 chức năng y tế dự phòng và điều trị, trung tâm y tế các quận huyện đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự nên không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Theo BS Đỗ Thị Tân, các trung tâm y tế quận huyện tại TPHCM đã nhiều lần kiến nghị thành phố đầu tư cơ sở vật chất với đầy đủ phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Cùng với đó, nhiều kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm thu hút bác sĩ về đầu quân tại các trung tâm y tế cũng đã được gửi đến Sở Y tế TPHCM nhiều lần nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. “Làm việc trong môi trường nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, từ ngày 1/10/2021 đến giữa tháng 8/2022 Trung tâm y tế Quận 1 TPHCM đã có 21 nhân viên nghỉ việc. Có những phòng, nhân viên y tế nghỉ việc gần hết” - BS Đỗ Thị Tân nói.

“Hiện nay, một bác sĩ trẻ mới ra trường với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng sống tại TPHCM thì làm sao trụ nổi. Một tháng có thể được, một năm có thể được, thậm chí 5 năm có thể được, nhưng 10 năm, 20 năm… là điều không thể”.

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Bị đối xử bất công

“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa” là câu nói được cộng đồng sử dụng khi nói về những ngành nghề đào tạo có số điểm thi tuyển, xét tuyển luôn cao ngất ngưởng trong mọi kỳ thi tuyển sinh đại học. Những thí sinh đỗ vào trường y không chỉ thực sự giỏi mà còn mang trong mình hoài bão và tâm huyết cứu người, bảo vệ thứ quý giá và thiêng liêng nhất là sự sống của đồng loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít y, bác sĩ, kể cả những người có uy tín mang tâm trạng mặc cảm và tủi thân khi các khuyết tật trong ngành y được phanh phui. Nhiều lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cả nước bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến hàng loạt bê bối trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, mua sắm kít xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19…

Khó khăn càng thêm chồng chất khi nhiều nhân viên y tế đối mặt với vấn nạn bạo hành và sự đối xử bất công từ một bộ phận không nhỏ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hai vụ tấn công bác sỹ diễn ra liên tiếp vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TPHCM) dường như là giọt nước tràn ly và khiến các y, bác sĩ hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, BS Phạm Hoàng Thiên (33 tuổi) nạn nhân trong vụ bị người nhà bệnh nhân hành hung, bóp cổ, dọa giết vào đêm 27/7 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết: “Không chỉ riêng bản thân tôi mà trong khoa cấp cứu, rất nhiều anh chị em khác đã bị hành hung. Bản thân tôi từ khi công tác tại khoa cấp cứu gần 8 năm qua không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần bị hành hung. Số lần bị tấn công có thể đã lên đến con số hàng chục. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2021, tôi đã bị tấn công 3 lần, trong đó một vụ gây thương tích. Trên cánh tay đến giờ vẫn còn để lại vết sẹo”.

Theo BS Huỳnh Nguyễn Lộc, với nghề y, nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân - người đang mang bệnh, có tâm lý không thoải mái và ngay cả người thân của bệnh nhân cũng luôn lo lắng, căng thẳng nên nhân viên y tế chịu những áp lực rất lớn trong giao tiếp làm việc thường ngày.

Trước những hành vi côn đồ từ phía người nhà bệnh nhân, ngành y tế TPHCM cũng đã có động thái lên án nhưng các phản ứng chưa cho thấy sự quyết liệt, chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân viên y tế. Theo BS Hoàng Thiên, nhiều vụ việc xảy ra trước đó đều nhanh chóng “chìm xuồng” một phần vì thương tích không đủ mức để khởi tố. “Chúng tôi gần như bị bỏ rơi trước nạn bạo hành, chẳng biết ai sẽ bảo vệ mình. Lần này, tôi sẽ đi đến cùng để làm rõ trắng đen và yêu cầu xử lý người đã tấn công mình. Tuy nhiên, tôi thấy lo lắng, sợ sẽ bị trả thù. Nếu bệnh viện không còn là nơi an toàn để công tác thì tôi sẽ chọn môi trường làm việc khác tốt hơn” - BS Hoàng Thiên bộc bạch.

BS Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM thẳng thắn: “Ở viện tôi, thời gian qua cũng có nhiều người nghỉ việc. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tiếp xúc, động viên nhưng không thể giữ chân được các y bác sĩ. Nghề y những tưởng là cao quý, được xã hội tôn vinh nhưng trên thực tế, anh em đang có sự buồn tủi”.

Trong đại dịch COVID-19, nhân viên y tế đã quên mình bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch, nhiều y bác sĩ như cục pin đã hết năng lượng. Thu nhập thấp càng khiến nhiều người muốn bỏ nghề. “Với trình độ và trí tuệ của y bác sĩ và điều dưỡng, mọi người đều có thể làm ngoài hệ thống công lập để thu nhập được tốt hơn. Muốn giữ chân được nhân viên y tế cần phải sớm giải tỏa được khó khăn, thách thức, mối quan hệ để giúp nhân viên y tế có niềm vui trong công việc, gắn bó với nghề. Nếu không sớm có sự điều chỉnh thì mỗi nhân viên y tế đều sẽ chọn đường đi cho mình, hướng đến sự phát triển tốt hơn trong tương lai, có thu nhập cao hơn và có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình của mình hơn” - BS Huỳnh Nguyễn Lộc nói.

MỚI - NÓNG