Phó Thống đốc ngân hàng nói về cú phá giá đồng nhân dân tệ

TP - “Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế”- Chiều 12/8, trả lời báo giới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Xin bà cho biết, tại  sao NHNN lại có động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ ngày 12/8?

Ngay từ đầu năm, NHNN đã dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, xuất khẩu của nước ta nên NHNN đã chủ động điều chỉnh phá giá đồng Việt Nam 2%. (NHNN điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD vào ngày 7/1 và lên mức 21.673 VND/USD vào ngày 7/5- PV).Do vậy, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua.

Tuy nhiên việc đồng Nhân dân tệ (CNY) được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8/2015, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Trung Quốc và các nước châu Á lại là nhóm đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, hơn nữa ta lại đang có nhập siêu lớn từ Trung Quốc thì việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ có tác động bất lợi tới tỷ giá và xuất nhập khẩu của chúng ta. Do vậy, NHNN quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1%  lên +/-2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường.

Bà có thể nói rõ hơn tại sao lại điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá mà lại không phá giá?

Như tôi đã đề cập, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế, đảm bảo sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp gì để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối?

Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để từ đó thực thi điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp và ổn định.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.