Phe đảo chính Niger nắm ‘át chủ bài’, phương Tây bí cách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một tuần sau thời hạn chót mà Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đặt ra để phe đảo chính Niger phục chức cho tổng thống bị lật đổ, chưa có hành động can thiệp quân sự nào được thực hiện. Giới phân tích cho rằng phe đảo chính đang chiếm được ưu thế, trong khi tổ chức khu vực cũng như phương Tây có rất ít lựa chọn.
Phe đảo chính Niger nắm ‘át chủ bài’, phương Tây bí cách ảnh 1

Người dân thủ đô Niamey xuống đường ngày 13/8 để phản đối ECOWAS và Pháp. (Ảnh: AP)

Khối Tây Phi ECOWAS đặt thời hạn 6/8 để phe đảo chính phục chức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Đến ngày 10/8, ECOWAS ra lệnh triển khai lực lượng “sẵn sàng” can thiệp để khôi phục hiến pháp ở Niger, trong đó Nigeria, Benin, Senegal và Bờ Biển Ngà cho biết họ sẽ đóng góp quân đội.

Nhưng không rõ khi nào và bằng cách nào đội quân đó sẽ được triển khai. Một số nhà quan sát cho rằng động thái này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để bắt đầu, trong khi chính quyền quân sự Niger đang tiếp tục củng cố quyền lực.

“Có vẻ những người làm đảo chính đã thắng và sẽ ở lại... Họ đang nắm tất cả quân bài và đang củng cố quyền lực của họ”, Ulf Laessing, người đứng đầu chương trình Sahel tại tổ chức tư vấn Konrad Adenauer, nhận định.

Laessing cho rằng khó có khả năng ECOWAS sẽ can thiệp quân sự và kéo Niger vào cuộc nội chiến. Thay vào đó, ông cho rằng ECOWAS và phương Tây có thể sẽ gây áp lực buộc chính quyền quân sự Niger phải đồng ý với một giai đoạn chuyển tiếp ngắn.

Ông cũng cho rằng châu Âu và Mỹ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc công nhận chính quyền quân sự để tiếp tục hợp tác an ninh trong khu vực.

Cuộc đảo chính ngày 26/7 được đánh giá là đòn giáng nặng nề đối với nhiều quốc gia phương Tây, khi họ vẫn coi Niger là một trong những đối tác cuối cùng ở khu vực Sahel đầy bất ổn để dẹp những cuộc nổi dậy liên quan đến al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Mỹ và Pháp có hơn 2.500 nhân viên quân sự trong khu vực và cùng với các quốc gia châu Âu khác đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào hỗ trợ quân sự và huấn luyện lực lượng của Niger.

Chưa biết tình hình sẽ ra sao sau khi ECOWAS tuyên bố triển khai lực lượng “dự phòng”.

Một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng khu vực đã bị hoãn vô thời hạn. Liên minh châu Phi dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 14/8 để thảo luận về cuộc khủng hoảng của Niger. Hội đồng An ninh và Hòa bình của nhóm có thể bác bỏ quyết định can thiệp bằng vũ lực nếu họ cảm thấy rằng hòa bình và an ninh rộng lớn hơn trên lục địa sẽ bị đe dọa nếu ECOWAS đưa quân vào Niger.

Nate Allen, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, cho rằng việc trì hoãn cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng để thảo luận về lực lượng “dự phòng” cho thấy ECOWAS coi việc sử dụng vũ lực là phương sách cuối cùng.

“Xét đến những thách thức mà họ phải đối mặt, việc sử dụng vũ lực đòi hỏi mức độ đồng thuận và phối hợp cao, không chỉ trong ECOWAS mà còn trong Liên minh châu Phi và cộng đồng quốc tế”, Allen nói.

Những người có quan hệ với chính quyền quân sự cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến, đặc biệt là khi các tướng lĩnh không muốn đàm phán nếu ECOWAS không thừa nhận lãnh đạo của họ - tướng Abdourahmane Tchiani, người đứng đầu cuộc lật đổ tổng thống.

“ECOWAS đòi (chính quyền quân sự) ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và phục hồi chức vụ nguyên thủ quốc gia cho ông ấy. Đó có phải trò đùa không? Dù Bazoum có từ chức hay không, ông ấy sẽ không bao giờ là tổng thống của Niger nữa”, Insa Garba Saidou, một nhà hoạt động địa phương và là người hỗ trợ liên lạc cho các lãnh đạo quân sự mới của Niger, nói.

Thời gian trôi đi, ngày càng có nhiều lo ngại về sự an toàn của Bazoum, khi ông cùng vợ và con trai vẫn bị quản thúc tại gia kể từ sau cuộc đảo chính. Những người thân cận cho biết tình hình của ông ngày càng tồi tệ vì không có nước, điện và thiếu lương thực.

Chính quyền của Niger nói với một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ rằng họ sẽ giết tổng thống bị phế truất nếu các nước láng giềng cố gắng can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực của ông.

Theo AP
MỚI - NÓNG