Nhiều người dân Niger cho rằng ECOWAS không hiểu tình hình dẫn đến cuộc đảo chính. (Ảnh: AP) |
Ngày 10/8, ECOWAS cho biết họ đã chỉ đạo "lực lượng dự phòng" khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, sau thời hạn chót mà họ đặt ra để phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum đã qua từ cuối tuần trước".
Vài giờ trước đó, hai quan chức phương Tây tiết lộ với hãng tin AP rằng chính quyền quân sự Niger nói với một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ rằng họ sẽ giết ông Bazoum nếu các nước láng giềng cố gắng can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho nhà lãnh đạo bị lật đổ.
Không rõ thời điểm và vị trí mà ECOWAS sẽ triển khai lực lượng, và quốc gia nào trong tổ chức gồm 15 thành viên sẽ đóng góp vào chiến dịch. Các chuyên gia về xung đột cho biết, lực lượng này có thể gồm khoảng 5.000 quân do Nigeria dẫn đầu và có thể sẵn sàng lên đường trong vòng vài tuần tới.
Sau cuộc họp của ECOWAS, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cho biết, đất nước của ông sẽ tham gia vào chiến dịch quân sự, cùng với Nigeria và Benin.
“Bờ Biển Ngà sẽ cung cấp một tiểu đoàn và đã thu xếp mọi khoản tài chính... Chúng tôi quyết tâm đưa Bazoum vào vị trí của ông ấy. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình và ổn định trong tiểu vùng”, ông Ouattara phát biểu trên truyền hình nhà nước.
Niger, quốc gia nghèo khó với khoảng 25 triệu dân, từng được coi là một trong những hy vọng cuối cùng để các quốc gia phương Tây hợp tác trong nỗ lực đẩy lùi các nhóm nổi dậy thánh chiến có quan hệ với Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Pháp và Mỹ có hơn 2.500 quân ở Niger, và cùng các đối tác châu Âu khác đã đổ hàng trăm triệu đô la vào việc củng cố quân đội cho quốc gia này.
Phe đảo chính của tướng Abdourahmane Tchiani tranh thủ tư tưởng chống Pháp trong dân chúng để tập hợp ủng hộ.
Nhiều người dân ở thủ đô Niamey cho rằng ECOWAS không nắm được tình hình thực tế và không nên can thiệp.
“Đó là việc của chúng tôi, không phải của họ. Họ thậm chí không biết lý do tại sao cuộc đảo chính lại xảy ra ở Niger”, Achirou Harouna Albassi, một người dân cho biết. Ông cho rằng ông Bazoum không thực hiện nguyện vọng của người dân.
Ngày 11/8, vài trăm người tuần hành về phía căn cứ quân sự của Pháp ở Niamey để vẫy cờ Nga và hô khẩu hiệu “đả đảo Pháp”.
Cùng ngày, Liên minh châu Phi bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của ECOWAS và kêu gọi chính quyền quân sự “khẩn trương ngăn chặn nguy cơ leo thang với tổ chức khu vực”. Liên minh châu Phi cũng kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum ngay lập tức.
Sau hội nghị thượng đỉnh tối 10/8, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết họ ủng hộ “tất cả các kết luận được thông qua”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington đánh giá cao “quyết tâm của ECOWAS trong việc cân nhắc các lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình” và sẽ quy trách nhiệm cho phe đảo chính Niger về sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu Mỹ có ủng hộ việc triển khai quân hay không.
Không rõ liệu việc phe đảo chính Niger đe dọa mạng sống của ông Bazoum có làm thay đổi quyết định can thiệp quân sự của ECOWAS hay không. Các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể khiến họ tạm dừng hoặc đẩy các bên tiến gần hơn đến đối thoại, nhưng tình hình hiện nay đã tiến đến giai đoạn khó đoán.