Phe đảo chính Niger phớt lờ tối hậu thư, Tây Phi rạn nứt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà lãnh đạo Tây Phi lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/8 tới, để bàn về việc chính quyền quân sự Niger phớt lờ tối hậu thư phải phục chức cho tổng thống bị lật đổ.
Phe đảo chính Niger phớt lờ tối hậu thư, Tây Phi rạn nứt ảnh 1

Các lãnh đạo Tây Phi sẽ họp thượng đỉnh sau khi phe đảo chính Niger phớt lờ tối hậu thư. (Ảnh: Reuters)

Hôm 26/7, Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đặt ra thời hạn chót đến ngày 6/8 để phe đảo chính Niger khôi phục quyền lực cho vị tổng thống dân cử, nếu không sẽ đối mặt với hành động can thiệp quân sự.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger, dưới sự lãnh đạo của tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu nhà nước tự xưng và trước đây là chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống, quyết định đóng cửa không phận và thề bảo vệ đất nước.

ECOWAS chưa đáp trả trực tiếp, nhưng hôm qua cho biết sẽ tổ chức hội nghị vào ngày 10/8 để bàn cách gỡ thế bế tắc. Liên minh châu Âu và Mỹ nói rằng quyết định này tạo thêm thời gian cho hoà giải.

Ngày 7/8, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland bay tới thủ đô Niamey của Niger để có các cuộc đàm phán "thẳng thắn và khó khăn" với những nhân vật cấp cao của chính quyền quân sự, khi phe đảo chính bác bỏ lời kêu gọi quay lại như trước kia.

“Họ khá kiên quyết về cách họ muốn tiến hành và điều đó không phù hợp với Hiến pháp Niger. Hôm nay thật khó khăn và tôi muốn nói thẳng về điều đó”, bà Nuland nói với báo chí qua điện thoại trước khi rời Niamey.

Trữ lượng urani và dầu mỏ của Niger cũng như vai trò then chốt của nước này trong cuộc chiến chống các lực lượng khủng bố ở vùng Sahel mang lại cho Niger vị thế quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Một dấu hiệu nữa thể hiện ý chí duy trì quyền lực của phe đảo chính Niger là họ vừa bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Ali Mahamane Lamine Zeine làm thủ tướng mới.

Lực lượng đảo chính cũng kêu gọi người trẻ Niger sẵn sàng bảo vệ đất nước. Nhiều sinh viên của ĐH Abdou Moumouni ở thủ đô cho biết họ sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này.

Tình hình ở thủ đô Niamey có vẻ vẫn bình thường trong những ngày đầu tuần, khi mọi người tiếp tục công việc kinh doanh, dù việc đóng cửa không phận Niger làm gián đoạn giao thông hàng không.

Với diện tích lớn hơn gấp đôi nước Pháp, Niger không có biển nhưng nhiều chuyến bay khắp châu Phi đi qua không phận nước này.

ECOWAS giữ lập trường cứng rắn đối với cuộc đảo chính ở Niger, cũng là cuộc đảo chính lần thứ bảy trong vòng 3 năm ở khu vực. Uy tín của câu lạc bộ gồm 15 quốc gia đang bị đe dọa vì họ từng tuyên bố sẽ không dung thứ cho những vụ lật đổ chính quyền như vậy nữa.

Cuối tuần trước, các lãnh đạo quốc phòng của ECOWAS nhất trí về một kế hoạch hành động quân sự với Niger nếu tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum không được trả tự do và phục chức. Tuy nhiên, quyết định hành động sẽ do các nguyên thủ quốc gia đưa ra.

Sự thống nhất của ECOWAS đã bị phá vỡ khi hai thành viên Mali và Burkina Faso tuyên bố sẽ bảo vệ Niger nếu cần.

Quân đội Mali cho biết cả hai quốc gia đã cử đại diện đến Niamey để thể hiện tình đoàn kết. Sau đó, một đại diện của phái đoàn Mali nhắc lại quan điểm ủng hộ phe đảo chính Niger.

Sự rạn nứt trong ECOWAS và thế đối đầu với Niger sẽ tiếp tục gây bất ổn cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, khi nơi đây vốn đã phải đối mặt với nạn đói và bất ổn vì hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Tình hình an ninh ngày càng xấu khiến Pháp cảnh báo công dân của họ không nên đến Niger. Đại sứ quán Trung Quốc tại Niamey khuyên công dân ở Niger nên rời sang nước thứ ba hoặc trở về nhà nếu họ không có lý do gì để ở lại.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG