Mỹ thấy cơ hội hẹp để đảo ngược đảo chính ở Niger

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Còn cơ hội hẹp để đảo ngược cuộc đảo chính quân sự tại Niger tuần trước, và chính sách ngoại giao - quân sự của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ dân cử có được phục hồi trong những tuần tới hay không, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ngày 31/7.
Mỹ thấy cơ hội hẹp để đảo ngược đảo chính ở Niger ảnh 1

Người biểu tình tụ tập ở thủ đô Niamey, Niger, giương các khẩu hiệu ủng hộ Nga và phản đối Pháp ngày 30/7. (Ảnh: Reuters)

Mỹ lên án việc lực lượng quân sự Niger lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum, tạo thành cuộc tiếp quản quân sự lần thứ 7 trong vòng chưa đầy 3 năm ở khu vực Tây và Trung Phi, làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh của cả vùng Sahel.

Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, mục tiêu của Washington là hỗ trợ Khối khu vực Tây Phi (ECOWAS) trong nỗ lực đảo ngược cuộc đảo chính.

"Chúng tôi không nghĩ nó hoàn toàn thành công và vẫn còn cơ hội hẹp để đảo ngược nó. Chính sách của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra trong những ngày và tuần tới, về việc liệu chúng tôi có thể giúp khu vực và Niger đảo ngược điều này hay không", vị quan chức cho biết.

Ngày 30/7, ECOWAS tuyên bố sẽ để 1 tuần cho phe đảo chính Niger khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và khả năng sử dụng vũ lực.

Mỹ, Pháp và một số quốc gia phương Tây khác lâu nay hợp tác với chính quyền của ông Bazoum trong nỗ lực tiêu diệt các lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng và al Qaeda.

Có khoảng 1.100 lính Mỹ đang đồn trú tại 2 căn cứ ở Niger. Đến nay vẫn chưa có thông báo nào về thay đổi thế trận.

Luật về viện trợ nước ngoài của Mỹ nghiêm cấm hầu hết hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào mà người đứng đầu chính phủ dân cử bị phế truất bằng đảo chính hoặc sắc lệnh, trừ khi ngoại trưởng Mỹ xác định rằng việc cung cấp viện trợ là có lợi cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Vị quan chức Mỹ cho biết, nếu Washington kết luận rằng một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Niger, Chính phủ Mỹ sẽ phải làm theo luật. Nhưng vị quan chức nói rằng tình hình hiện nay vẫn chưa chắc chắn.

Thay đổi trong Chính phủ Niger sẽ ảnh hưởng đến khả năng Washington tiếp tục hợp tác với quốc gia này, dù có một số ngoại lệ trong luật chống khủng bố, vị quan chức cho biết.

Niger và các nước láng giềng Mali, Burkina Faso, Nigeria và Chad đều đang nỗ lực đẩy lùi phiến quân Hồi giáo. Quân đội Mỹ đã và đang huấn luyện cho các lực lượng địa phương để chống lại phiến quân.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG