Mỹ lại để Nga thắng ở châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giới phân tích phương Tây cho rằng Mỹ cần chủ động hơn trong vấn đề đang nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng lớn ở trung tâm châu Phi.
Mỹ lại để Nga thắng ở châu Phi ảnh 1

Đám đông tuần hành ở thủ đô Niamey sau đảo chính, giương khẩu hiệu ca ngợi Tổng thống Nga Putin và đả đảo Pháp ngày 30/7. (Ảnh: AP)

Hai tuần trước, một nhóm tướng lĩnh bất ngờ phế truất vị tổng thống thân Mỹ ở Niger. Kết quả của cuộc đảo chính có thể định hướng cho nhiều năm tới tại khu vực vốn là nguồn cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng, một địa bàn của các phần tử thánh chiến chuyển hướng từ Trung Đông và là một nguồn lợi ích chiến lược cho Nga.

Diễn biến mới nhất ở châu Phi tạo cơ hội cho Nga mở rộng quyền kiểm soát thông qua lực lượng quân sự tư nhân Wagner. Bất chấp căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông chủ Wagner Yevgeny Prigozhin với các lãnh đạo Nga, sự mở rộng của lực lượng này vẫn sẽ có lợi cho Mátxcơva.

Ít nhất một nhà lãnh đạo của chính quyền quân sự Niger đã gặp gỡ đại diện của Wagner ở nước láng giềng Mali, nơi Wagner đang có sự hiện diện vững chắc.

Việc tiếp quản Niger có thể giúp Nga đạt được sự hiện diện gần như hoàn toàn Sahel, một vành đai rộng gần 1,2 triệu dặm vuông gồm với hơn 80 triệu dân, trải dài từ bờ biển này sang bờ biển kia của châu Phi. Wager đến nay đã có mặt ở Cộng hòa Trung Phi và Sudan, đồng thời đang thâm nhập vào Burkina Faso.

Với những yếu tố đó, phản ứng ban đầu của những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ của Niger đã bị coi là yếu. Cộng đồng kinh tế gồm 15 thành viên thân phương Tây của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ấn định ngày 7/8 là hạn chót để chính quyền quân sự từ bỏ quyền lực và phục chức tổng thống cho ông Mohamed Bazoum, hoặc sẽ phải đối mặt với một chiến dịch can thiệp quân sự của lực lượng ECOWAS.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự được Wagner hỗ trợ ở hai nước láng giềng của Niger ngay lập tức cam kết hợp tác với quân đội Niger để chống lại bất kỳ chiến dịch can thiệp nào, gọi đó là "tuyên chiến" chống lại họ.

Sau cuộc họp ngày 10/8, các nhà lãnh đạo của ECOWAS thông báo rằng họ sẽ kích hoạt lực lượng quân sự dự phòng, nhưng ngoại giao vẫn là phương tiện ưu tiên để giải quyết khủng hoảng.

Về phần mình, Mỹ không biết trước về cuộc đảo chính, theo Wall Street Journal. Mỹ đã chi khoảng 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của Niger, đặc biệt là lực lượng đặc biệt của nước này, nhưng không có bên nào can thiệp để ngăn cuộc đảo chính.

Có tin đồn rằng trước khi xảy ra đảo chính, ông Bazoum đang cân nhắc xem có nên sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh vệ của mình hay không. Người này sau đó đã lãnh đạo nhóm lật đổ tổng thống.

Trong cuộc bầu cử đưa ông Bazoum lên làm tổng thống, ông không được cử tri ở thủ đô Niamey ủng hộ. Đó là lý do có nhiều người dân ở đây xuống đường ăn mừng sau cuộc đảo chính.

Mỹ, Pháp và phương Tây nói chung đều đối mặt với rủi ro lớn ở cả Niger và vùng Sahel.

Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu năm 2023, Sahel hiện là “tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố”, với số người chết vì khủng bố vào năm 2022 ở Sahel nhiều hơn cả Nam Á, bao gồm cả Afghanistan, Trung Đông và Bắc Phi cộng lại. Những cái chết liên quan đến khủng bố ở Sahel chiếm 43% trong tổng số 6.700 người trên toàn cầu năm 2022, một mức tăng đáng kinh ngạc khi tỷ lệ của năm 2007 mới chỉ là 1%.

Hơn nữa, gần 3.000 binh lính của 4 quốc gia NATO, gồm Mỹ, Pháp, Ý và Đức, đang đóng quân ở Niger có thể gặp rủi ro nghiêm trọng nếu không được chính quyền sở tại ủng hộ, nhất là khi chính quyền ở đó được Wagner giúp đỡ. Một căn cứ máy bay không người lái quy mô lớn của Mỹ được xây dựng với 110 triệu USD nhằm đối phó các lực lượng thánh chiến cũng có nguy cơ bị đe dọa. Tất cả lo ngại này đều có cơ sở từ khi chính quyền quân sự Niger tuyên bố cấm bay.

Một yếu tố quan trọng nữa là tài nguyên thiên nhiên. Niger là quốc gia khai thác urani nhiều thứ bảy thế giới, nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển năng lượng hạt nhân.

Mối quan tâm tức thời của Mỹ là khả năng Wagner bổ sung thêm một quốc gia châu Phi nữa vào danh sách địa bàn hoạt động của mình. Những đám đông ủng hộ phe đảo chính trên đường phố Niamey đã vẫy cờ ca ngợi Nga.

Giải pháp của Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken điện đàm với vị tổng thống bị lật đổ tại nơi ông và gia đình đang bị quản thúc tại gia.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland bất chấp vùng cấm bay đến Niger để có hai giờ đối thoại “cực kỳ thẳng thắn và đôi khi khá khó khăn” ở thủ đô Niamey, với một vài thành viên của chính quyền. Nhưng bà từ chối gặp tổng thống đang bị giam giữ hoặc lãnh đạo chính quyền quân sự và nhanh chóng chạy đến sân bay sau khi cuộc họp kết thúc.

Mỹ đã thực hiện bước đầu tiên trong việc thể hiện sự phản đối của mình đối với cuộc đảo chính, bằng cách tạm dừng một số chương trình viện trợ, nhưng không quyết liệt như Pháp. Là cường quốc hiện diện ở Sahel từ thời thuộc địa, Pháp đã đình chỉ tất cả viện trợ ngân sách và hỗ trợ phát triển cho Niger cũng như hai quốc gia láng giềng Mali và Burkina Faso.

Giới phân tích phương Tây cho rằng Mỹ cần làm nhiều hơn nữa. Washington sẽ phải tìm cách bảo vệ căn cứ máy bay không người lái của mình và các mỏ urani không rơi vào tay Nga.

Theo CNN
MỚI - NÓNG