Người dân Niger tập trung ủng hộ phe đảo chính ngày 30/7. (Ảnh: AP) |
Bộ Ngoại giao Pháp nêu đợt bạo lực gần đây nhằm vào Đại sứ quán Pháp ở Niamey như một trong các lý do khiến họ quyết định sơ tán công dân.
Việc đóng cửa không phận Niger “khiến các công dân của chúng ta không thể tự rời đi”, thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
Hoạt động sơ tán diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, từ khi các sĩ quan quân đội thực hiện cuộc đảo chính vào tuần trước để lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum.
Tổ chức hợp tác Tây Phi (ECOWAS) thông báo trừng phạt kinh tế và đi lại đối với Niger và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu phe đảo chính không khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng 1 tuần. Chính phủ của ông Bazoum là một trong những đối tác dân chủ cuối cùng của phương Tây để chống lại các lực lượng cực đoan ở Tây Phi.
Trong một tuyên bố chung, chính quyền quân sự Mali và Burkina Faso cảnh báo rằng “bất kỳ can thiệp quân sự nào vào Niger cũng sẽ bị coi là lời tuyên chiến đối với Burkina Faso và Mali”.
Mali và Burkina Faso trải qua hai cuộc đảo chính quân sự từ năm 2020, lật đổ chính phủ mà họ cho rằng làm việc không hiệu quả để chống lại al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Ngày 30/7, Guinea, một quốc gia cũng do quân đội lãnh đạo từ năm 2021, ra tuyên bố ủng hộ phe đảo chính Niger và thúc giục ECOWAS hành động hợp lý.
Phe đảo chính Niger cáo buộc Pháp đang tìm cách can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna phủ nhận cáo buộc này. “Điều đó hoàn toàn sai”, bà Colonna nói trên kênh tin tức BFMTV tối 31/7.
Tuy nhiên, bà nói rằng vẫn có thể đưa vị tổng thống dân cử của Niger trở lại cầm quyền. “Đó là điều cần thiết vì mất ổn định là điều nguy hiểm cho Niger và các nước láng giềng”, Ngoại trưởng Pháp nói.