Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 5/6, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 4 do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và UBND TPHCM phối hợp tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: định hướng phát triển của Việt Nam là phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nói rằng, các xung đột thương mại gần đây, cũng như chiến sự Nga - Ukraine đã hạn chế việc doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, dịch COVID-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ. Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng và đạt đỉnh cao nhất trong quý III/2021 là 3,98% với hơn 1,7 triệu lao động. Thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 (chỉ còn 5,2 triệu đồng).

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nhưng chưa mạnh. Trong khi đó thế giới đang thay đổi, nhiều rủi ro, bất trắc và đang cấu trúc lại. Điều này khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen, cần năng lực đổi mới sáng tạo, cách thức mới để vươn lên. “Luật chơi không thể một mình một mặt trận, không thể cô lập mình. Đặc biệt là bài học “lợi thế đi sau”, bài học “chuẩn bị năng lực đón đầu” và xu thế di chuyển các chuỗi sản xuất… Chúng ta có tầm nhìn, có khát vọng để vươn lên. Việt Nam đang có nền tảng tốt cho phát triển. Đây là yếu tố giúp chúng ta phát triển, dứt khoát không được lãng phí cơ hội”, ông Thiên nói.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới hiện nay, cần tăng năng lực chống chịu. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng… có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài. “Một nền kinh tế có nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thực tế tư duy “đi tắt đón đầu” và những lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0 nếu được tận dụng tốt cũng chính là một trong những cách thức giúp chúng ta có được độc lập, tự chủ nhờ hội nhập”, ông Thành nói.

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế nóng mà kiên trì, kiên định nền kinh tế mở, đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả, đồng thời tạo môi trường pháp lý ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trên quan điểm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, định hướng phát triển của Việt Nam là phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập. Giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế như độ mở cao, cơ cấu xuất khẩu FDI chiếm 70%, khả năng hấp thụ… Yêu cầu cấp thiết là xử lý các thách thức nổi lên, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng để tự chủ nền kinh tế. “Độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong đó, nội lực là yếu tố quyết định, lâu dài còn ngoại lực là quan trọng, đột phá và thường xuyên. Phải kết hợp được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, có sự tương trợ nhưng vẫn độc lập các nguồn lực”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, quan điểm xuyên suốt về xây dựng nền kinh tế tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng phải trên tinh thần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng các quốc gia. Tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao. Chúng ta cần cụ thể hoá mục tiêu này, như xây dựng nền kinh tế có công nghiệp nền tảng, có công nghiệp về chế biến, chế tạo, có công nghiệp về vật liệu xây dựng.

Thủ tướng lưu ý, cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế khi hội nhập, đan xen trong hội nhập quốc tế, cần tận dụng tốt các lợi thế hội nhập để phục hồi nhanh và bền vững; có mục tiêu liên quan đến xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời xây dựng phòng tuyến an ninh quốc phòng, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

MỚI - NÓNG