Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao vai trò từ địa phương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thực tế cho thấy, để rút ngắn thời gian cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng.

Địa phương lập chương trình mục tiêu

Giai đoạn 2021 – 2025, đồng loạt các địa phương đã lập chương trình phát triển CNHT, với những mục tiêu, kế hoạch cụ thể.Là tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với lượng lớn khu công nghiệp đóng trên địa bàn, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 800 doanh nghiệp CNHT, đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, chú trọng vào 3 ngành chính là điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao vai trò từ địa phương ảnh 1

Các địa phương tung nhiều chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tới “làm tổ”. Ảnh: Như Ý

Còn tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có trên 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực linh kiện phụ tùng có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu. Vĩnh Phúc phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11%.

"Với lợi thế về công nghệ và con người, trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác", ông Thắng nhấn mạnh.
Về quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ ở các địa phương, Bộ Công Thương kỳ vọng các cơ quan chính quyền địa phương có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, có sự phân bổ nguồn lực tương xứng, bắt đầu từ việc cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu. Mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp lớn chung tay thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Thúc đẩy hợp tác 3 bên

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Cục phó Cục Công nghiệp, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai. Đây cũng là định hướng của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khi triển khai các chương trình cải tiến thí điểm trong thời gian vừa qua. Trung ương đi trước, xây dựng mô hình mẫu để từ đó các địa phương có thể tham khảo, triển khai cải tiến và đổi mới một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, việc các địa phương vẫn xây dựng chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đầu tư nguồn lực trên địa bàn vẫn còn rất hạn chế. Nhận thức của nhiều cơ quan địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực phát triển còn mang tính ngắn hạn, chưa tuân thủ hoàn toàn các định hướng phát triển dài hạn của Đảng và Nhà nước.

Đơn cử đối với chương trình cải tiến doanh nghiệp, đến nay, mới chỉ có 2 địa phương là Hải Dương và Bắc Ninh đã và đang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam triển khai trên toàn địa bàn của 2 tỉnh.

Để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, với sự tham gia của một số bộ/ban/ngành, một số tỉnh, thành phố, đại diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ.

Để phù hợp với thế mạnh vùng miền, ông Hoàng cho rằng, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển công nghiệp hỗ trợ để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết.

“Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô – điện tử – công nghiệp đóng tàu – nông ngư nghiệp – da giầy – dệt may.....Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung - Nam, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, chính sách thuế, đầu ra cho sản phẩm để trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất”, ông Hoàng đề xuất.

MỚI - NÓNG