Phan Huỳnh Điểu - Tình yêu ở lại

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Tường Vi. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Tường Vi. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Người phổ nhạc cho thơ hay nhất Việt Nam đã qua đời sáng 29/6 tại TPHCM, thọ 91 tuổi.

Thơ một cánh, nhạc một cánh

Nhạc sĩ giỏi phổ thơ có nhiều: Phạm Duy, Hoàng Hiệp, Hoàng Vân... Còn Phan Huỳnh Điểu chỉ có thể dự vào hàng số 1 không thể số 2: Bóng cây Kơ-nia, Hành khúc ngày và đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thuyền và biển, Sợi nhớ sợi thương, Thơ tình cuối mùa thu...

Phan Huỳnh Điểu nói: “Thơ và nhạc như chị em sinh đôi, thơ một cánh nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”. Một bài thơ như Ở hai đầu nỗi nhớ chẳng hạn, có những câu tuyệt hay “Đêm nghe tiếng mưa rơi đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ”, “Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau hơn” nhưng nếu không được âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu chắp cánh, hẳn không trở thành một tuyệt phẩm, đưa “nhà thơ một bài” Trần Hoài Thu lên địa vị khác hẳn như thế. Thuyền và biển có thể nói cũng “không thể hay hơn” khi cánh thơ Xuân Quỳnh gặp được cánh nhạc Phan Huỳnh Điểu.

Nhạc sĩ Doãn Nho phát biểu với phóng viên Tiền Phong chiều 29/6 khi nghe tin người đồng nghiệp mà ông yêu mến qua đời: “Một nét đặc sắc của Phan Huỳnh Điểu là chất tình ca hòa với hùng ca: Đoàn Vệ quốc quân, Hành khúc ngày và đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông... Nhạc trữ tình của Phan Huỳnh Điểu rất sâu và luôn mới”.

Theo Doãn Nho “Ngay từ Đoàn Vệ quốc quân đã có giá trị hiệu triệu, động viên bao người lên đường chiến đấu trong đó có tôi. Bài hát khỏe nhưng nội tâm, có hồn mà lại rất Việt Nam chứ không ảnh hưởng phương Tây như một số ca khúc cùng thể loại, ví dụ Cùng nhau đi hồng binh”.

Khoảng 6-7 năm trở lại đây, Phan Huỳnh Điểu liên tục được tổ chức các đêm nhạc riêng. Khán giả tha hồ ôn lại những kỷ niệm đã gắn bó máu thịt với âm nhạc của nhạc sĩ tài danh này, gắn bó với một thời kì âm nhạc đỉnh cao. Hồi xưa đó, ai mà không thuộc bài hát của Phan Huỳnh Điểu, không mê Măng Thị Hội, Tô Lan Phương, Rơ-chăm-pheng với Bóng cây Kơ-nia; Vũ Dậu với Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Đêm nay anh ở đâu, Cuộc đời vẫn đẹp sao; Lê Dung với Anh ở đầu sông em cuối sông; Hồng Ngọc (nhóm Du ca Đồng Nội) với Thơ tình cuối mùa thu; Bảo Yến  với Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ; Quang Lý với Thuyền và biển... vân vân.

Chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ

Năm ngoái trong liveshow Cuộc đời vẫn đẹp sao Đài Truyền hình TPHCM làm cho Phan Huỳnh Điểu nhân sinh nhật ông 90 tuổi, nhạc sĩ rưng rưng: “Nghe Vũ Dậu hát Những ánh sao đêm tôi nhớ Hà Nội quá”.

Là người con của Quảng Nam - Đà Nẵng tập kết ra Bắc, nhiều năm liền Phan Huỳnh Điểu sống ở khu tập thể văn nghệ sĩ số 96 phố Huế, Hà Nội cho đến 1975 thì chuyển vào TPHCM. Toàn văn nghệ sĩ lừng danh sống khổ sở chật chội trong những chuồng chim, như thơ Lưu Quang Vũ “Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông/Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống”. Xuân Quỳnh - hàng xóm thân thiết của Phan Huỳnh Điểu đã “căng buồm” để có Thuyền và biển và đặc biệt Thơ tình cuối mùa thu - làm chất liệu cho ca khúc trữ tình có thể nói là hay nhất của Phan Huỳnh Điểu. Một không gian sống tối thiểu đã cho ra đời những tác phẩm tối ưu là thế.

Nổi tiếng hiền hậu, dí dỏm, vào tuổi 90, Phan Huỳnh Điểu mắt ánh lên niềm vui thơ trẻ, môi luôn nở nụ cười, cứ có dịp là pha trò. Khi ca sĩ Vũ Dậu, trong liveshow Cuộc đời vẫn đẹp sao vừa nhắc ở trên, hát Những ánh sao đêm xong, ông hóm hỉnh “Thấy Vũ Dậu hát vẫn hay thế này, anh càng yêu em càng hăng say viết nhiều bài hay hơn nữa”. Ông thích nói về tình yêu và cũng đầy tự trào.

Vui tính hiền hậu nhưng ông không hề xuề xòa, tuế tóa. Trong một chương trình, ông kể câu “mùa thu vào hoa cúc” bài Thơ tình cuối mùa thu luôn bị hát thành “mùa thu và hoa cúc”, “mùa thu vàng hoa cúc” trong khi theo ông, chữ vào mới đắt, mới là Xuân Quỳnh. (Thực tế, Bảo Yến, Quang Linh, Tân Nhàn đều hát “mùa thu vàng hoa cúc”- DPV). Tại cuộc giao lưu nọ, một ca sĩ vừa hát xong, việc đầu tiên ông cảm ơn đã hát đúng “mùa thu vào hoa cúc” cho ông nhờ.

Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm. Vừa mới đây, Phan Huỳnh Điểu đầy minh mẫn dí dỏm làm khách mời của chương trình Giai điệu Tự hào. Nay, nhạc sĩ được nhân dân yêu mến vào loại nhất đã ra đi sau cơn sốt xuất huyết. Một cuộc đời thật là đẹp sao, một sự ra đi thật nhẹ nhàng, như những câu thơ phổ nhạc nhẹ bẫng, cực hay: Rút sợi thương chằm mái lợp, rút sợi nhớ đan vòm xinh... Phan Huỳnh Điểu từng phát biểu “người yêu nhạc yêu thơ thì rất yêu đời, yêu người và khó mà hung tợn”. Bây giờ người đã ra đi nhưng tình yêu ở lại, đúng thế: Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại.

Cống hiến lớn cho âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bài thơ đầu tiên ông phổ nhạc là Những người đã chết của Tế Hanh, năm 1946. 

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.