Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, tàu lặn đang được sử dụng để nghiên cứu khoa học thì bị hải quân Trung Quốc thu giữ. Lầu Năm Góc yêu cầu phía Trung Quốc trả lại tàu lặn và không được lặp lại việc thu giữ như vậy. Ngày 17/12, Trung Quốc thông báo đang thương lượng để trả lại tàu lặn không người lái. Trong thông báo tiếp theo đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Mỹ, nói rằng, Washington đã làm quá. Vài giờ trước đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng, Trung Quốc đã “ăn cắp” tàu lặn Mỹ. Ông Trump mới đây khiến phía Trung Quốc giận dữ vì điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
“Vi phạm luật pháp quốc tế”
Hôm thứ Năm (giờ Mỹ), tàu nghiên cứu hải dương học USNS Bowditch của Mỹ đang chuẩn bị lấy lại tàu lặn trong lòng biển thì bị một tàu hải quân Trung Quốc vớt mất. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, đại úy Jeff Davis, nói: “Đó là tàu lặn của chúng tôi. Được đánh dấu rõ ràng. Chúng tôi muốn lấy lại và không muốn chuyện này tái diễn”. Tàu lặn bị thu giữ ở vị trí cách 92km về phía tây bắc vịnh Subic gần Philippines. Phía Mỹ nói rằng, tàu lặn do các nhà thầu dân sự vận hành để nghiên cứu đại dương. Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng, việc thu giữ tàu lặn Mỹ là “hành vi vi phạm luật pháp quốc tế một cách trơ tráo”. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói Mỹ không nên dung thứ cho “hành vi thái quá như vậy”. “Hành vi gây hấn trơ tráo này thuộc chuỗi hành động gây mất ổn định ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm bắt nạt các nước láng giềng và quân sự hóa biển Đông”, ông McCain nhận định.
Giới quan sát nói rằng, thu giữ tàu lặn không người lái là sự cố quân sự đáng kể nhất giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ vụ va chạm trên không năm 2001 giữa một máy bay trinh sát của hải quân Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Vụ thu giữ có thể khiến Mỹ thêm lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông.
Một tổ chức tư vẫn Mỹ vừa công bố các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy, Trung Quốc đã lắp đặt vũ khí trên 7 đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tháng 11/2015, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay qua các đảo nhân tạo này.