Ông họa sĩ chế máy rửa ly, thái củ mì

Chân dung ông sáng chế Nguyễn Duy Linh và chiếc máy rửa ly. Ảnh: L.N
Chân dung ông sáng chế Nguyễn Duy Linh và chiếc máy rửa ly. Ảnh: L.N
TP - “Nếu có đam mê, chịu khó tìm tòi thì sẽ làm được tất cả”- ông Nguyễn Duy Linh, 50 tuổi ngụ ở đường Cách mạng Tháng 8, quận 3, TPHCM tâm sự với sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM khi trường này mời ông nói chuyện sau hàng loạt sáng chế mà mình đang sở hữu.

Ông từng nổi đình nổi đám với máy thái củ mì từ những năm 1990, rồi đến máy bay mô hình điều khiển từ xa. Mới đây, ông cho ra đời chiếc máy rửa ly. Người đàn ông gốc Huế này trở thành “nhà sáng chế” nhưng lại học cái ngành mà không ăn nhập gì với sáng chế. Ông Linh theo học Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế, chuyên ngành hội họa điêu khắc. Năm 1976 sau khi ra trường, ông vào Đồng Nai làm việc cho một công ty xây dựng. Chính thời gian ở đây đã khơi mào sự sáng tạo của ông. 


“Một lần tôi lên nhà người bà con ở huyện Tân Phú phụ nhổ củ mì (sắn). Thấy họ thái củ mì cả ngày nhưng chỉ được góc sân nên tôi mới suy nghĩ làm sao để thái cho nhanh”- ông Linh kể. Sau đó ông đi mua bánh đà trong máy nổ bỏ đi, mua lưỡi dao cũ về lắp ghép thành máy thái mì. Với máy thái củ mì, bình quân mỗi ngày một người có thể thái cả tấn khoai mì. 

Trong căn nhà nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TPHCM, ông Linh ngồi trò chuyện nhưng điện thoại thi thoảng lại reo, vì “có người đặt hàng”. “Mấy anh bên nhà hàng với quán cà phê đặt hàng máy rửa ly, giờ phải tranh thủ để làm cho xong trong hai tuần”- ông Linh khoe. 

Để điện thoại xuống bàn, ông Linh vừa nói vừa chỉ khách xem máy rửa ly do chính mình chế tạo. Bắt đầu có ý tưởng từ năm 2012 và sau nhiều năm miệt mài mày mò, tháng 8 vừa qua ông Linh đã cho ra đời máy rửa ly “made in Việt Nam”.

Chiếc máy nhỏ gọn bằng giá đựng ly, đặt ở góc nhà. Máy gồm 4 bộ phận chính: Hệ thống phun nước, trục quay, tấm mút rửa bên ngoài và thau đựng nước bẩn. Ông Linh phân tích, về quy trình vận hành của máy mà theo ông là khá đơn giản: “Nước được phun vào ly, trục quay với 2 lớp cao su đảm nhận nhiệm vụ cọ sạch bên trong ly từ đáy lên đến cổ. Lớp cao su có khả năng tự co giãn nên phù hợp với nhiều loại ly to, nhỏ hoặc cao, thấp khác nhau. 

Tấm mút có tác dụng cọ sạch mặt ngoài của ly. Rửa xong chỉ việc lấy ly đặt lên giá”. Theo ông Linh, không cần loại hóa chất nào, chiếc ly vẫn được rửa sạch nhờ 2 miếng cao su cọ đánh với tốc độ trục quay 1.600 vòng/phút. Thời gian rửa mỗi chiếc ly mất chưa tới 4 giây. “Cha đẻ” máy rửa ly “Made in Viet Nam” khề khà: “Người dùng không cần chuẩn bị gì cả, chỉ việc bật công tắc, đưa ly vào rồi lấy ra. Bình quân rửa được 1.000 ly/giờ”.

Không những rửa sạch, máy rửa ly giúp người lao động tránh được những tai nạn như trầy xước tay do ly sứt vỡ. Ông Linh nói, khi thiết kế ông luôn đặt tính an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, phải mày mò để thiết kế cho máy chỉ rửa từng chiếc một để hạn chế khả năng ly vỡ do va đập vào nhau. 

“Có người hỏi tôi với vẻ lo lắng rằng, máy vận hành bằng điện nhưng hoạt động trong môi trường nước, có thể gây giật điện. Tôi tự tin khẳng định: Toàn bộ hệ thống điện được bao bọc kín và được lắp thêm hệ thống chống giật nên khó xảy ra chuyện điện giật”- ông Linh lý giải. 

Theo nhà sáng chế, máy rửa ly hoạt động theo nguyên tắc truyền lực gián tiếp thông qua dây cô -roa nên hệ thống điện gần như được cách ly hoàn toàn với nước. Phần thau hứng nước bẩn có thể xoay linh động giúp người dùng lựa chọn lối thoát nước mà không cần dịch chuyển toàn bộ khung máy. 

Khi hỏi về giá thành, ông Linh nói máy chỉ rẻ bằng 1/8 so với máy nhập ngoại. Nghĩa là có giá 4 triệu đồng/cái. “Hiện đã bán được hơn 20 chiếc, chủ yếu là bạn bè mua và qua sự giới thiệu từ người thân.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã hoàn tất hồ sơ và cấp bằng sáng chế “máy rửa ly” cho ông Linh. Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại TPHCM (xin giấu tên) cho biết, đã làm việc với ông Linh và đang tiến hành các thủ tục để mua lại bản quyền sản phẩm này. Theo ông Linh, trước khi xúc tiến bán lại bản quyền, công ty trên đã thuê một chuyên gia người Mỹ sang Việt Nam đánh giá hiệu quả máy rửa ly. 

MỚI - NÓNG