“Nhà sáng chế không thể nghèo”
Phát biểu tại tọa đàm “Sáng chế - giải pháp ứng dụng KH&CN vào đời sống” cách đây ít hôm, một nhà sáng chế ở Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nhiều nhà khoa học có sáng chế nhưng vẫn nghèo. TS Lê Văn Tri đáp lời: “Tôi không nghĩ thế. Đã là nhà sáng chế thì không thể nghèo”. Điều này được TS Tri chứng minh bằng chính ông - vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của ba công ty khoa học và công nghệ với gần 150 nhân sự, doanh thu ước hàng trăm tỷ đồng một năm.
Tốt nghiệp Đại học Kisinhop (Liên Xô) năm 1975, ông về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Vi sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Luận án tiến sĩ sinh học của ông năm 1988 (“Nghiên cứu điều kiện sản xuất Gibberellin A3 trên môi trường xốp từ một số chủng nấm Fusarium moniliforme Sheldon và ứng dụng cho một số cây trồng ở Việt Nam”) là tiền đề cho bốn bằng sáng chế, trong đó có sáng chế “Phương pháp thu nhận Gibberrellin” (1992).
Năm 1991, ở thời điểm Việt Nam chưa có một doanh nghiệp khoa học công nghệ nào, ông có ý tưởng thành lập Xí nghiệp Liên doanh Khoa học và Sản xuất Fitohoocmon do ông làm giám đốc, nhằm đưa sáng chế vào thực tế. “Ban đầu, mình không có ý định làm kinh tế mà chỉ mong muốn sáng chế được ứng dụng, chứ không phải cất ngăn kéo. Khi sáng chế được ứng dụng thành công, có hiệu quả kinh tế thì lại càng say sưa nghiên cứu và triển khai nhiều hơn”, TS Tri kể.“Nếu tôi chỉ tập trung nghiên cứu còn việc chuyển giao có người khác làm thì hiệu quả còn cao hơn bây giờ. Cái thiếu của nền khoa học công nghệ Việt Nam là hệ thống chuyển giao”.
TS Lê Văn Tri
Cả 16 sáng chế của TS Tri đều được ứng dụng vào thực tế và thu được lợi nhuận trong kinh doanh. Nhóm sáng chế về phân bón hữu cơ vi sinh được chuyển giao cho gần 60 doanh nghiệp trên cả nước. Nhóm sáng chế về phụ gia xây dựng từ phụ phẩm ngành đường đã giúp thành lập Cty Cổ phần Bifi, cung cấp phụ gia xây dựng cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, mang về hàng trăm tỷ đồng một năm.
Nhóm sáng chế về xử lý ô nhiễm môi trường mà mới đây nhất là chế phẩm xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón đang được triển khai ở Thanh Hóa, Bạc Liêu, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang... Bộ KH&CN đã cấp kinh phí để xây dựng các nhà máy sản xuất chế phẩm này.
Lập sàn giao dịch công nghệ riêng
Tại đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), tòa nhà văn phòng Biogroup đang được xây dựng. TS Tri tâm sự, tại đây, một phần diện tích sẽ được dùng làm sàn giao dịch khoa học và công nghệ. TS Tri có khoảng 30 công nghệ. Mỗi lần giới thiệu công nghệ cho các địa phương, ông phải mang ra một tập tài liệu dày cộp.
Việc nghiên cứu tài liệu mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao. Nay ông ấp ủ ý tưởng thay vì đọc tài liệu, các đối tác muốn tìm hiểu công nghệ sẽ được xem một mô hình mô phỏng công nghệ như dây chuyền sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học... Sau đó xem thêm một video về công nghệ rồi đi thăm quan một mô hình ứng dụng thành công công nghệ đó. Cuối cùng là xem tờ trình về quy định hợp tác. Với ý tưởng này, TS Tri có thể trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên có riêng một sàn giao dịch khoa học công nghệ.