Oằn từ đâu?

Oằn từ đâu?
TP - Hàng loạt công trình giao thông ở nhiều địa phương mới hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã bị xuống cấp, hư hỏng. Hai nhánh biên cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội (TPHCM) mới hoàn thành, thông xe hơn nửa năm đã bong tróc lớp bê tông nhựa trên các khe co giãn.

Cách cầu Rạch Chiếc hơn cây số, công trình đại lộ Đông – Tây (đường Võ Văn Kiệt) cũng bị lún, nứt trầm trọng sau thời gian ngắn đưa vào khai thác. Đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Kỳ Hà, đường dẫn lên cầu Phú Mỹ,… cùng chung số phận.

Mặt đường lún nứt, lồi lõm không chỉ rút ngắn tuổi thọ công trình mà còn gây lầy lội, mất an toàn cho người đi đường. Các phương tiện bị dằn, xóc khi lưu thông qua chỗ lún, nứt. Sa xuống hố, ô tô, xe tải có nguy cơ nổ vỏ, lạc tay lái còn người đi xe máy thì dễ ngã lăn ra đường, tính mạng bị đe dọa. Vì lẽ đó, gần đây, các khu vực đó đã trở thành điểm nóng về tai nạn giao thông. Trách nhiệm của giới kinh doanh vận tải đã quá rõ. Không có hàng nghìn lượt xe container, xe tải siêu trường, siêu trọng vượt tải “cày xới” mỗi ngày, công trình không thể xuống cấp nhanh đến như vậy. Giải bài toán này, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là chủ đạo.

Tiếc thay, sau thời gian dài, đến nay, công tác quản lý của các cấp, ngành chức năng còn lúng túng, bất cập và theo khuynh hướng cái gì “không quản được thì cấm” (hoặc làm khó). Đơn cử như quy định về tải trọng cầu - đường bộ, tuy cùng thuộc Bộ GTVT song Cục Đăng kiểm và Tổng cục Đường bộ lại có hai cách tính khác nhau và không đồng bộ. Xe lăn bánh trên đường, tải trọng được tính theo trục, trong khi qua cầu lại tính theo tổng trọng lượng xe.

Với cách tính này, hầu hết xe container, xe tải siêu trường siêu trọng khi qua cầu đều phạm lỗi chở quá tải. Có tài xế bị tạm giữ bằng lái, nộp phạt khi tình cờ lưu thông vào “đường cấm” ở TPHCM, dù danh sách các tuyến đường cấm xe container đến nay ngành GTVT ở địa phương vẫn chưa đưa ra.

Chưa hết, Bộ GTVT tháo gỡ bất cập của quy định về tải trọng xe bằng một loại giấy phép “con” mang tính đánh đố, làm khó bởi nếu đi qua bao nhiêu tỉnh, thành thì chủ xe phải xin giấy phép “lưu hành xe quá khổ giới hạn trên đường bộ” của ngần ấy địa phương. Có giấy phép rồi, lái xe vẫn có thể bị phạt vì thông tin trên giấy phép chung chung, không rõ ràng.

Vừa qua, trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) được Bộ GTVT lập thí điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm tình trạng xe chở quá tải gây hư hỏng công trình cầu đường. Trạm cân hoạt động chập chờn, không có khu vực hạ tải, một số cán bộ nhân viên tiêu cực bị công an bắt quả tang. Riêng UBND tỉnh Đồng Nai thì mất ăn mất ngủ vì tình trạng xe “né” trạm, băm nát các tuyến tỉnh lộ, gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng...

Thực tế đã chứng minh rằng dù quy định về tải trọng của cơ quan chức năng có cụ thể đến mấy, các loại xe tải siêu trường, siêu trọng hàng ngày vẫn lưu thông trên đường. Còn công trình được xây từ tiền đóng thuế của người dân xuống cấp không phanh.

Một nền kinh tế phát triển năng động ắt phải chú trọng ngành kinh doanh dịch vụ vận tải và khâu lưu thông, phân phối. Vần đề quan trọng nhất hiện nay là cần có các chế tài hợp lý khai thác, sử dụng công trình hiệu quả, lâu dài nhằm cân bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG