Giải mã cơn sốt đất:

Ồ ạt công bố quy hoạch, nguồn cơn của 'sốt đất'

0:00 / 0:00
0:00
KTS Phạm Thanh Tùng.
KTS Phạm Thanh Tùng.
TPO - Theo KTS Phạm Thanh Tùng, nguồn cơn của sốt đất là do thông tin quy hoạch. Khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn, nhà đầu tư lừa đảo bắt đầu xuất hiện. Thậm chí căng biển, rao bán ngay cả trên nền đất không phải của mình.

Tại tọa đàm “Giải mã cơn sốt đất’ do Báo Tiền phong tổ chức sáng 9/4), trả lời câu hỏi về vai trò của quy hoạch tác động đến giá đất, KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi vẽ biểu đồ về cơn sốt đất thì nó ngày càng dữ dội và công khai, công khai tới độ hỗn loạn. Trước đây, chúng ta không công khai quy hoạch hoặc công khai không hoàn toàn, thì làn sóng giao dịch mua bán đất không như vậy".

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, do người dân không hiểu bản chất của quy hoạch là phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu rồi quy hoạch chi tiết. Đến lúc đó, người ta mới mời nhà đầu tư vào. "Quy hoạch có nhiều phân khúc như vậy nhưng tuyên truyền cho người dân để họ hiểu thì còn lơ mơ và còn nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như việc quy hoạch sân bay thì nhiều cái chỉ là dự kiến hoặc mới nằm trên bàn thảo… Khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn. Nhà đầu tư lừa đảo bắt đầu xuất hiện. Thậm chí căng biển, rao bán ngay cả trên nền đất không phải của mình", KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.

KTS Phạm Thanh Tùng dẫn chứng: "Khi Hà Nội bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng thì nên lập quy hoạch phân khu ngay. Nhưng chúng ta bẵng đi 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm. Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch. Thậm chí, nhiều người dân đã mua bán đất ở ven sông Hồng. Chúng ta chưa biết tận dụng quy hoạch. Hiện nay hỗn loạn như vậy là vì chúng ta thiếu hướng dẫn dư luận”.

Ồ ạt công bố quy hoạch, nguồn cơn của 'sốt đất' ảnh 1

Ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Dưới góc độ quản lý, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, "cơn sốt" đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có 1 "cơn sốt" đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đai.

Liên quan đến nguyên nhân của "cơn sốt" đất lần này, ông Bình cho rằng, có nhiều yếu tố cộng hưởng tác động. Đầu tiên là do thông tin quy hoạch.

“Trước đây khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kì khác nhau. Nhưng lần này khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch", ông Bình nói.

Theo ông Bình, yếu tố thứ hai là vấn đề tài chính. Năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn. Mà năm vừa qua, bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.

MỚI - NÓNG