Tọa đàm diễn ra tại trụ sở Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), với sự tham gia của đại diện cơ quan chức năng như: Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng Hà Nội; lãnh đạo quận huyện nơi giá đất tăng sốt nóng thời gian qua; luật sư, chuyên gia quy hoạch, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối trong lĩnh vực bất động sản… |
Nhà báo, Phó tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng tặng hoa các vị khách mời tại buổi toạ đàm: " Giải mã cơn sốt đất". |
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu: Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, trên dải đất hình chữ S ở đâu cũng xôn xao về câu chuyện giá đất tăng với các giao dịch bất thường, kèm theo nhiều hệ quả. Trong thời gian qua báo Tiền Phong cũng đã có loạt bài về “cơn sốt” giá đất từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ góc nhìn doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, nhà quản lý. Nhìn từ góc độ truyền thông, chúng ta thấy có nhiều dấu hiệu bất bình thường trong “cơn sốt” giá đất, từ đô thị đến nông thôn, từ đất công nghiệp đến đất nông nghiệp… |
Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) chỉ ra: Nhìn từ góc độ nhà quản lý, chúng tôi nhận thấy cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch, yếu tố thứ hai, là vấn đề tài chính. "Trước đây khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kì khác nhau. Nhưng lần này khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch", ông Bình cho biết thêm |
Trả lời về nguyên nhân sốt đất, ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc sốt đất do một số nguyên nhân: theo chu kì, xu hướng đầu tư của dòng tiền và quy hoạch. "Trong thời gian vừa qua, việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch mới được phê duyệt. Do vậy, giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn- ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%. Đột biến tăng 200%. Về phía Hà Nội, chúng tôi tập trung xử lý thông tin minh bạch. Nhiều thông tin chỉ ở mức độ rò rỉ thì ngay lập tức, giá đất đã được đẩy lên rất cao. Một trong những nguyên nhân nữa mà phía Sở Xây dựng muốn quản lý chặt đó là một số đối tượng, nhóm đầu cơ thổi giá đất. Hiện nay, chúng ta mới chỉ công bố quy hoạch. Theo tôi, nên công khai cả việc tiến độ thực hiện quy hoạch, thời gian quy hoạch và dự án quy hoạch…", ông Minh nói. |
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Giá đất ảo nhưng tiền phải bỏ ra là thật. Nhà nước làm quy hoạch nhưng nhà nước không điều chỉnh quy hoạch. "Theo tôi, lợi nhuận từ đất vô cùng lớn. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền. Khi thấy sai cần chấn chỉnh, xử lý ngay chứ không để tình trạng xây dựng trái phép tràn lan để mua bán bất hợp pháp", KTS Phạm Thanh Tùng nói. |
Nói về hệ lụy cơn sốt đất, Luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng biết: Hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tính trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý. |
Trả lời về việc giao dịch tại các phân khúc đất nền, nhà chung cư… diễn ra như thế nào? Có thực sự sốt nóng, sôi động hay không hay chủ yếu là giao dịch ảo?, Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trong quý I/2021, doanh nghiệp thực hiện hơn 2.000 giao dịch, trong đó có 60% là giao dịch chung cư, 40% là giao dịch thổ cư. Giao dịch thực tế của công ty khiêm tốn so với cơn sốt “nóng” ngoài thị trường, ông Nghĩa nói. |
Phát biểu kết thúc buổi toạ đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Thông qua toạ đàm "Giải mã cơn sốt đất", chúng tôi muốn góp tiếng nói, luồng dư luận nhằm hạn chế hệ luỵ của những cơn sốt đất ảo. Với mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, chính quyền mà người dân thượng tôn pháp luật. Tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, người dân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực này. |