Nuôi lươn theo chuẩn GAP

Nuôi lươn theo chuẩn GAP
TP - Khoảng 3 năm nay thành phố Cần Thơ đã chuyển đổi từ nuôi lươn truyền thống trên bể lót bạt có bùn sang nuôi không bùn bằng con giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp. Đồng thời, áp dụng nuôi theo chuẩn VietGAP được 3.400 m2 tại huyện Vĩnh Thạnh và MetroGAP 800m2 ở huyện Cờ Đỏ. 

Tại hội thảo “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh lươn đồng” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre tổ chức, Thạc sỹ La Ngọc Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố Cần Thơ cho biết, khoảng 3 năm nay thành phố đã chuyển đổi từ nuôi lươn truyền thống trên bể lót bạt có bùn sang nuôi không bùn bằng con giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp. Đồng thời, áp dụng nuôi theo chuẩn VietGAP được 3.400 m2 tại huyện Vĩnh Thạnh và MetroGAP 800m2 ở huyện Cờ Đỏ. 

Sau 8 tháng nuôi, lươn đạt kích cỡ 200 - 300 gam/con, tỷ lệ sống đạt 80- 90%, với giá thành sản xuất khoảng 90.000 đồng/kg, bán giá dao động hiện nay từ 140 - 160.000 đồng/kg, lãi từ 50.000 - 80.000 đồng cho mỗi kg. Lý giải về việc này, ông Thạch cho biết, hiện khó khăn nhất là khan hiếm nguồn lươn giống. Đồng thời, lươn tự nhiên tỷ lệ hao hụt cao, thức ăn tươi sống gây ô nhiễm môi trường nước và khó kiểm soát dịch bệnh. Trong thời gian tới, cần liên kết các hộ dân với doanh nghiệp và nhà nước để thực hiện chuỗi phát triển bền vững.

Thạc sỹ Châu Hữu Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bến Tre giới thiệu mô hình nuôi lươn đồng trong bể lót bạt mang lại hiệu quả khá cao. Sau 1 năm thực hiện, ứng dụng kỹ thuật mới vào kinh nghiệm truyền thống sẽ giúp ít tốn diện tích đất đầu tư, lươn sinh trưởng phát triển tốt. Theo ông Trị, đặc điểm nuôi lươn đồng trong bể bạt phù hợp điều kiện sống tự nhiên nên lươn sinh sản tốt. Đồng thời, người nuôi có thể vớt con hoặc trứng lên để nuôi tiếp hoặc bán giống. Từ 8 hộ dân nuôi thí điểm đầu năm 2015, đến nay đã phát triển lên hàng chục hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, nông dân sản xuất hàng nghìn con giống cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, đây là nét mới mở ra tín hiệu tốt cho ngành thủy sản. Đồng thời, đi đúng hướng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT là sản xuất theo chuỗi, đặt hàng và tiêu chuẩn.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh lươn đồng” do ông Văng Đắt Phuông ở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm chủ nhiệm. Dự án thực hiện từ năm 2013 đến 2015 tại 5 tỉnh gồm: Vĩnh Long, Hà Nam, TT- Huế, Bến Tre và Hậu Giang với quy mô 1.600 ha, triển khai tại 11 điểm với 39 hộ tham gia. Sau 3 năm, cung cấp gần 29 tấn lươn thương phẩm ra thị trường. Đồng thời, năng suất, chất lượng, mật độ và tỷ lệ hao hụt đều đạt theo kế hoạch.

MỚI - NÓNG