Căn nhà của cụ bà Đoàn Thị Ngôn (97 tuổi, xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Cụ mắc phải căn bệnh lạ, giữa đầu gối chân trái mọc lên chiếc cái sừng dài hơn 20 cm và ngày càng lớn khiến cụ đau nhức suốt ngày đêm
Cụ có người con rể bị thần kinh bởi mảnh đạn găm vào đầu từ khi còn học sinh. Nhà ông này bị khóa trái cửa do một vài ngày trước, ông gây gổ với xóm làng sau đó lánh đi biệt tích. Đã từ lâu người vợ của ông và 3 người con khôn lớn bị đuổi đánh xuống ở nhà dưới cùng người mẹ đẻ bị dị tật ở đôi chân.
Người nhà cụ Ngôn kể, trong một lần ngã gẫy chân trái, bác sĩ từ chối bó bột do tuổi cụ đã cao và độ liền xương là không thể. Sau quá trình nặn mủ từ vết thương phía trên đầu gối của cụ vào tháng 3/2012 con cháu cụ phát hiện một lớp sừng nhỏ mọc lên. Tuy đã nạo chiếc sừng đi nhưng do quá đau nên con cháu đành phải dừng lại không tiếp tục can thiệp.
Mắt phải cụ đã mù hẳn chỉ còn mắt trái nhìn thấy lờ mờ, tai cũng không thể nghe thấy âm thanh còn đôi chân phải chịu những đau đớn từ những tai nạn và căn bệnh bất thường. Chồng cụ mất từ hơn 40 năm trước, nhiều năm qua cụ được lĩnh trợ cấp của nhà nước cho người già với số tiền 180.000 đồng/tháng (gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt). Mọi sinh hoạt của cụ Ngôn càng vất vả hơn kể từ khi sừng mọc, cụ chỉ có thể lết quanh giường hoặc xuống nền gạch ngay sát đó.
Chiếc sừng có chiều dài gần 20 cm, bề ngang 4 cm, cứng và cong mọc cụp vào đùi. Khi người khác sờ vào cụ vẫn cảm thấy đau.
Trong suốt cuộc đời, cụ Ngôn còn nhiều lần gặp bạo bệnh. Khoảng 50 tuổi, chân phải dẫm phải mành sành nên cụ bị uốn ván, lên cơn co giật và bị quặp các ngón chân. Khi đó cụ đi lại phải nhón bằng 5 đầu ngón dẫn đến gan bàn chân sưng to và khớp nối bị hoại tử.
Chừng 10 năm sau, chân trái cụ lại bị đỉa cắn dẫn tới hoại tử trên đầu gối. Chồng cụ trước khi qua đời đã dùng bài thuốc kết hợp giữa cây lá sòi và rêu bến đá để chữa khỏi nhưng cụ đi lại vẫn khó khăn do dị tật của chân phải.
Thường ngày người con rể thần kinh đều không muốn cho hàng xóm qua lại chơi với người mẹ vợ bị dị tật của mình. Tranh thủ khi người này đi văng, cụ Trần Thị Minh (người cùng xóm 4 xã Hải Lộc, Hải Hậu) sang thăm hỏi cụ Ngôn.
Cầm bát cơm xin được của hàng xóm chạy về, bà Đoàn Thị Tươi chóng đút cơm cho mẹ vì buổi sáng cụ chưa ăn gì. Đỡ bát cơm từ tay con gái để mình tự xúc ăn, cụ nhận ra bàn tay bà Tươi đang lấm đất khi vừa đi làm cỏ. Theo bà Tươi, cả gia đình chỉ có 4 sào ruộng với 2 vụ một năm, điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không có điều kiện chữa trị cho mẹ.
Ghì chiếc bát vào đầu gối chân phải chưa bị đau, đôi tay tuy run run nhưng cụ Ngôn vẫn có thể tự xúc ăn được. Lúc mỏi tay cụ đặt bát xuống và tự bốc cơm để ăn. Cụ vừa ăn vừa nói: " Tuy đã gần 100 tuổi nhưng tôi vẫn còn biết đấy, tự sinh hoạt cá nhân được và còn sạch sẽ lắm chỉ hơi đau ở chân thôi. Thằng con rể nó mắc bệnh thế nên bà con lối xóm thi thoảng phải giấu để cho đồng quà, tấm bánh hay chút hoa quả ăn cho khỏi đắng miệng".
Một mắt hỏng hẳn do thiên đầu thống, mắt còn lại của cụ Ngôn chỉ nhìn thấy lờ mờ. Dù vậy, cụ vẫn cố gắng tự vận động khi người con gái duy nhất của mình phải quán xuyến các công việc khác trong gia đình.
Ông Cao Đức Thiệp - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc xác nhận, trong hộ khẩu cụ Ngôn và chị Tươi hiện đang sống trong căn nhà hơn 20m2 (căn nhà được tài trợ 15 triệu đồng từ quỹ phòng chống thiên tai, chữ thập đỏ trung ương và đóng góp thêm của gia đình). Một căn nhà khác cùng trong mảnh đất của cụ hiện có người con rể bị tâm thần sống một mình, thường hay đánh chửi cụ và bà Tươi..
Theo tạp chí World Journal Surgical Oncology (WJSO), sừng da ở người phát sinh do các tổn thương biểu bì ở phạm vi rộng. Các tổn thương này có thể là lành tính, tiền ác tính hay ác tính, 1/3 trường hợp mắc hiện tượng này đều có khả năng dẫn đến ung thư, 2/3 còn lại cũng gặp nhiều vấn đề nan giải. Vị trí những chiếc sừng thường chọn để xuất hiện là ở đầu, cổ và mu bàn tay.
Theo Hoàng Anh