Nhóm 9x rủ người thường chơi nghệ thuật

Người xem tranh được nghe nhạc Sô-panh khi xem bức “Sóng đêm” của Ngô Thu Hương.
Người xem tranh được nghe nhạc Sô-panh khi xem bức “Sóng đêm” của Ngô Thu Hương.
TP - Một nhóm nghệ sĩ rủ nhau làm dự án đem nghệ thuật đến tụ điểm yêu thích của người trẻ và văn minh. Không đơn thuần xem tranh, tại không gian “Vòng quay xoay” khách có thể tiếp cận với sắp đặt ảnh, truyện tranh, video, điêu khắc, âm nhạc và ánh sáng.

Đúng như tên gọi của nhóm HypART được tạo nên bởi các từ Hyper.Young.Public.Art (Năng động.Trẻ trung.Công cộng.Nghệ thuật), 13 thành viên (bao gồm cả được đào tạo và “tay ngang”) thể hiện mong muốn nghệ thuật sẽ được tạo nên bởi những tiềm năng trẻ, sáng tạo, độc đáo và tạo sức lan tỏa. Hầu hết các thành viên HypART đều thuộc thế hệ 9X, gần như tất cả đều kiếm sống bằng nghề khác để lấy tiền nuôi đam mê sáng tác và làm dự án.

Xem nghệ thuật dễ như uống cà phê

Quản lý nhóm Ngô Thu Hương cho biết, điều khác biệt của HypART với số đông không gian nghệ thuật đang xuất hiện ngày càng nhiều là HypART chọn làm triển lãm tại những quán cafe hoặc tụ điểm có tiếng thu hút đối tượng trẻ và văn minh.

Khách uống cà phê thông thường chỉ có thể ngắm tranh nghe nhạc nhưng HypART muốn những người trẻ nhân dịp này tiếp cận với loại hình nghệ thuật sắp đặt, vốn chỉ có ở những triển lãm dành riêng cho nghệ sĩ thưởng thức nhau. “Video nghệ thuật, tranh ảnh hỗ trợ bởi hiệu ứng công nghệ ở nơi công cộng khiến không gian công cộng trở nên mới lạ, thú vị và thu hút hơn”. Triển lãm Vòng Quay Xoay 2017 là dự án đầu tiên của HypART trong chuỗi chương trình nghệ thuật công cộng.

Đứng trước tác phẩm bán trìu tượng “Sóng đêm” của Ngô Thu Hương, mỗi người xem được đeo tai nghe bản nhạc “Nocturne in C sharp minor” (“Dạ khúc cung mi trưởng”) của Sô-panh. Từng nốt rung trong bản nhạc kết nối với độ chuyển màu của con sóng. Theo Thu Hương, chị đã nghe bản nhạc này trong suốt quá trình vẽ bức tranh.

Nghệ sĩ thị giác Hano tạo điểm nhấn đúng tinh thần của HypART với video nghệ thuật “Một buổi sáng thứ hai”. Khán giả bước vào ngước lên trần nhìn màn hình video chiếu cảnh những cánh quạt trần quay không ngừng vào các giờ khác nhau trong ngày thứ hai. Hano ghi âm lại tiếng rít của cánh quạt, tiếng rao hàng rong, tiếng còi xe, tiếng loa phường, tiếng hát chào cờ ở trường mẫu giáo cạnh nhà vào giờ nhất định. Xem quạt trần chuyển động cùng chuỗi tạp âm mà tác giả video chỉ có thể nghe vào sáng thứ hai.

Tác phẩm “Khước từ” chất liệu foamex (in trên bìa) của nghệ sĩ Nguyễn Phú Viên gây thắc mắc bởi hình bóng đổ của chiếc bàn kiểu dáng thời bao cấp. Trên mặt bàn là một người đang ném những viên gạch từ bức tường đổ trở lại quá khứ với thông điệp “thời bao cấp chả có gì để luyến tiếc cả, chúng tôi khước từ”.

Nhóm 9x rủ người thường chơi nghệ thuật ảnh 1 “Ám ảnh công nghệ”(Phan Thu Trang) - bức tranh lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển  “The creation of Adam” (“Sự tạo dựng Adam). Ảnh: Nguyễn Phương.

Lần đầu làm dân “thị giác”

Họa sĩ Phan Thu Trang tạo thú vị với bộ ba bức tranh “Ám ảnh công nghệ”. Kết hợp phong cách minh họa hiện đại với các tác phẩm hội họa kinh điển như “Echo and Narcissus” (bức tranh miêu tả chàng trai mắc chứng soi gương do quá yêu bản thân), “The creation of Adam”; “The scream”  (Tiếng thét)  để làm nổi bật ý tưởng trào phúng. “Từ các nguyên liệu ấy tôi biến thể và tái tạo chúng trở thành hình ảnh những con người say sưa đắm chìm  vào màn hình chữ nhật sáng lóa. Các hình ảnh cá nhân ngày càng thiếu tính kiên nhẫn, bồn chồn, lệ thuộc sóng wifi”. Vừa tốt nghiệp khoa đồ họa trường Đại học mỹ thuật công nghiệp, đến với HypART, Trang muốn thử sức với nghệ thuật thị giác. “Không nhất thiết phải vẽ đẹp vì ngoài kia luôn có 1.000 người vẽ đẹp hơn. Thay vì đó hãy nghĩ về ý tưởng và tạo ra sự khác biệt trong phong cách. Đấy là cái mà không ai có thể làm thay được”.

Tốt nghiệp marketing ở Anh, Hoàng Minh Trang chưa từng mơ sẽ có ngày được trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm mà chỉ mong làm công việc liên quan đến nghệ thuật để được sống cùng nó hằng ngày. Tới một ngày Trang quyết định đưa những cơn mê mải, những cảm xúc trồi sụt của mình vào một tác phẩm mà chính cô là người sáng tạo. Vừa tham gia công việc quản lý dự án HypART, Trang vừa hoàn thiện tác phẩm điêu khắc sắp đặt đầu tiên “Về bắt đầu” . Trên mặt kính hình tròn khảm vỏ trứng trộn sơn đen, có một ngôi nhà kính nhỏ đặt trong đó một quả trứng. Gần đó là núi vỏ trứng ngổn ngang. “Khi vỏ trứng vỡ ra sự sống bắt đầu. Sự sống lớn lên và thay đổi nhưng vỏ trứng vẫn còn đó. Ra khỏi vỏ trứng là thế giới đẹp xấu, hỗn độn tươi sáng thế nào đi nữa thì vẫn có dự  phần bé nhỏ của mình ở đâu đó”. Trang chia sẻ, tới lúc này, bố mẹ chị vẫn phản đối kịch liệt việc con gái cua gấp sang nghệ thuật đương đại “cái thứ  không ai hiểu và không ra tiền”. Còn Trang chẳng hề hối tiếc vì chọn hẳn nghề dạy tiếng Anh để lấy tiền sáng tác.

Có tới ba thành viên của nhóm là kiến trúc sư, dù bận rộn với mưu sinh vẫn dành đam mê cho dự án “phù phiếm” này. Kiến trúc sư Hồ Nhật Anh đang rất nổi trên mạng với ba bộ truyện tranh siêu thực “Chuyện con lợn”, “8 ngày của Ne ne”; “The Falling Jetpack” cũng tham dự “Vòng quay xoay” với sắp đặt truyện tranh. Chắc chắn, tác phẩm sẽ hút khách từ 8X đến 10X.

HypART lên kế hoạch vận hành bằng tiền thông qua trang web gây quĩ cộng đồng và quyên góp tại mỗi kỳ triển lãm. Đáng mừng ở chỗ, không khó để tìm quán cà-phê đông khách trẻ  đồng ý tài trợ địa điểm. Cho tới lúc nhận được tiền, các thành viên tạm thời bỏ tiền túi. Có vẻ như số tiền quyên được bao nhiêu không quan trọng bằng những tác phẩm của họ chạm đến được “người thường”, khiến mọi người rời chiếc smartphone ra vài chục phút và liên tục tự hỏi “cái gì thế này?”, “thế là thế nào?”, “rối não nhỉ”...

MỚI - NÓNG