Nhiều người bị tai nạn chết oan vì sơ cứu sai cách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo phản xạ, khi thấy người bị tai nạn, người ứng cứu thường xốc, vác, khiêng nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo, tình trạng sơ cứu sai cách cho nạn nhân sau tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt đang khiến nhiều người chết oan.

Nam bệnh nhân 48 tuổi, ngụ tại TPHCM bị tai nạn giao thông nằm bất động trên đường. Ngay lập tức, nhiều người tham gia giao thông đã dừng lại trợ giúp, người xốc bệnh nhân ngồi dậy nhiều người khác cùng khiêng bệnh nhân đưa lên xe vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị gãy cổ, dập tủy sống, liệt toàn thân và có nguy cơ tử vong.

Tại Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện – cấp cứu chấn thương” (ngày 8/7) BS Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết, không ít trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt dẫn tới tổn thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, nhưng người xung quanh lại bế xốc nạn nhân lên đưa đi cấp cứu. Đó là những hành động theo phản xạ tự nhiên, người nhà hoặc người đi đường thường lập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện vì cho rằng nên đưa vào viện càng nhanh, càng tốt.

Nhiều người bị tai nạn chết oan vì sơ cứu sai cách ảnh 1

Sơ cấp cứu đúng phương pháp sẽ tăng khả năng cứu chữa cho người bệnh

“Theo nghiên cứu, người bị tai nạn giao thông nếu được sơ cấp cứu kịp thời, sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, một số trường hợp, sơ cứu sai phương pháp dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, đẩy nạn nhân vào tình trạng bị gãy cột sống cổ hoặc gãy khung chậu, khiến nhiều người chết oan. Sơ cấp cứu đúng cách đang là thách thức lớn đối với cộng đồng” - BS Đặng Văn Đạt nói.

Là địa bàn rộng, số dân đông, mặc dù ngành y tế đã tăng cường năng lực cấp cứu tuy nhiên theo BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM mạng lưới cấp cứu ngoại viện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Ngành y tế thành phố đang từng bước đa dạng hóa các loại hình cấp cứu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bao gồm cấp cứu bằng xe gắn máy, xe cứu thương chuyên dụng, bước đầu triển khai cấp cứu bằng đường không tại Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175”.

BS Duy Long cho biết, thành phố đang nghiên cứu thí điểm mô hình cấp cứu đường thủy và mô hình taxi cấp cứu. Đây sẽ là những giải pháp đáp ứng nhanh nhất, sớm nhất để nâng cao khả năng cứu chữa cho nạn nhân, người bệnh trong thời gian tới.

Các bước cấp cứu cho nạn nhân

1. Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, nên gọi 115 để có sự trợ giúp chuyên nghiệp.

2. Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu tim ngừng đập thực hiện ép tim cho đến khi có nhịp tim trở lại mới chuyển đến viện viện.

3. Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.

4. Cố định cột sống cổ, yêu cầu cột sống cổ phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.

5. Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

6. Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân. Cố định các vết thương gãy xương để giúp giảm đau cho nạn nhân

7. Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô… nhưng tuyệt đối không nên vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

MỚI - NÓNG