Chiều 26/4, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo kết thúc điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) khiến 74 người mắc, trong đó 29 học sinh phải nhập viện điều trị.
Theo đó, các em học sinh cấp 1, cấp 2 trên địa bàn thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, đi cầu phân lỏng… vào đầu tháng 4 vừa qua.
Kết quả điều tra cho thấy, tất cả học sinh đều ăn cơm cuộn, cơm nắm của bà Bùi Thị L. (bán hàng rong gần trường THCS Tô Hạp) vào sáng 9/4. Tại thời điểm điều tra, bà L. không còn mẫu thức ăn đã chế biến và mẫu nguyên liệu thực phẩm nên đoàn điều tra không lấy được mẫu thức ăn và mẫu nguyên liệu của bữa ăn gây ngộ độc thực phẩm cho các học sinh. Do đó không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân mà chỉ có thể nhận định thức ăn nguyên nhân là thức ăn chung mà các bệnh nhân đã ăn vào sáng ngày 9/4 gồm cơm nắm, cơm cuộn với các nguyên liệu: rong biển, cơm, thanh cua, trứng, xốt,…
Gần 30 học sinh phải nhập viện sau khi ăn cơm cuộn, cơm năm trước cổng trường. |
Đối với các mẫu nguyên liệu thực phẩm để chế biến cơm nắm, cơm cuộn được đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm lấy tại cơ sở bà L. đã phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus và chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin có trong rong biển. Các mẫu nguyên liệu như củ cải muối, xúc xích, tương ớt, tương cà, cà rốt, dưa leo, xốt mayonai, dầu mè, thanh cua không phát hiện vi khuẩn. Mẫu bàn tay người chế biến thức ăn (bà L. và chồng) không phát hiện vi khuẩn. Kết quả này phù hợp với kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, vì vậy có thể nhận định tác nhân gây ngộ độc là vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Được biết nguồn gốc rong biển chế biến cơm cuộn được bà L. mua trên mạng xã hội, không có nhãn mác tiếng Việt và hóa đơn chứng từ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện bà L. không có giấy tờ liên quan đến kinh doanh thức ăn như hồ sơ khám sức khỏe, giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm; cũng không còn lưu mẫu thức ăn, nguyên liệu đã chế biến… nên đã bị cơ quan chức năng dừng hoạt động.