Nhiều di sản Hà Nội bị đe dọa xóa sổ

Được người già hâm mộ nhưng giới trẻ thờ ơ, di sản hát Trống quân ở Hà Nội nguy cơ mai một.
Được người già hâm mộ nhưng giới trẻ thờ ơ, di sản hát Trống quân ở Hà Nội nguy cơ mai một.
TP - Tại hội nghị chuyên đề về công tác quản lý di sản văn hóa tại Hà Nội sáng 21/11, TS Lê Thị Minh Lý nêu vấn đề nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội trong diện cần ưu tiên bảo vệ, thậm chí có một số di sản nguy cơ mai một nhanh chóng.

Còn ai hát Trống quân

Lâu nay, nhiều chuyên gia lên tiếng về “bên trọng bên khinh”: Từ năm 1984 có pháp lệnh bảo vệ di tích và danh lam thắng cảnh, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mới được chú trọng khoảng chục năm lại đây. Gần 6.000 di tích, trong đó một phần tư di sản quốc gia nằm ở Hà Nội, trong khi di sản văn hóa phi vật thể chưa bao giờ có con số cụ thể. Mãi năm 2010 mới có thông tư hướng dẫn. Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” khởi động năm 2013, dự kiến kéo đến 2015.

Đến nay, Hà Nội có 14 quận, huyện có kết quả tổng kiểm kê với gần 1.000 di sản. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Nội: “Tổng kiểm kê không phải để đếm, xuất bản sách mà để đánh giá phân loại xác định giá trị, nhận diện xem nó đang sống thế nào, cần gì cho nó không, cho vào danh mục gì”. Chưa đi hết đợt tổng kiểm kê, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa đề xuất gần 100 di sản cần ưu tiên bảo vệ, trong đó một số di sản rất nguy cấp.


TS Lý, Phó Giám đốc Trung tâm nói thêm, trong quá trình điền dã, các chuyên gia phát hiện một số loại hình di sản như truyền khẩu, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn và tập quán xã hội mai một rõ ràng: Tiếng lóng ở làng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), hát Trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ), hát Tuồng cổ (Chương Mỹ). Hội đền Trấn Vũ, tập quán Kéo co ngồi (Long Biên) bị thu hẹp, biến đổi không gian thực hành.

Ngày di sản lần thứ 10, Hà Nội triển lãm ảnh Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, khai mạc 21/11. Sở VHTT&DL dịp này tôn vinh 30 tập thể, cá nhân tích cực bảo vệ và phát huy giá trị di sản: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu; PGS.TS Đặng Văn Bài; PGS.TS Phạm Mai Hùng; TS Lê Thị Minh Thúy...

“Hát Trống quân giờ không thực hành nữa, có thử trình diễn nhưng không thành công. Vì môi trường thay đổi, giới trẻ không quan tâm lắm đến cách tỏ tình và giao duyên kiểu như thế. Phải làm thế nào? Đầu tiên là phải cấp bách cứu các bài mà nghệ nhân còn giữ được. Nghệ nhân vẫn còn một số, họ hát được nhưng già lắm rồi, nếu không nhanh thì di sản cũng theo họ ra đi”, TS Lý nói bên lề hội nghị.

Bà Lý kể, khi về làng Đa Chất kiểm kê, phát hiện tiếng lóng chính là di sản văn hóa. Những người thợ đóng cối xưa rời làng tha phương làm ăn, họ tạo ra thứ ngôn ngữ kỹ thuật nghề nghiệp để bảo vệ mình, hoặc để lịch sự trước mặt khách. Nhưng bây giờ nghề cối không còn nữa, nó sẽ mai một.

Không còn trong đời sống cũng là quy luật đào thải tự nhiên, sao phải nỗ lực bảo tồn tất cả? “Đấy không phải là đào thải, mà do bối cảnh xã hội thay đổi. Họ không có điều kiện thực hành trong nhà. Ví dụ nhà có khách, muốn bảo vợ đi chợ nấu cơm khách, họ dùng tiếng lóng rất ý tứ. Một đứa trẻ ngồi ăn không ý tứ, họ có cách nhắc. Cái đó có phải văn hóa không, có cần không? Tại sao phải đào thải? Phải làm cho di sản thích ứng với cuộc sống đương đại, hoặc chí ít tư liệu hóa, có những nghiên cứu để cho đời sau thấy từng có những di sản như thế trong trường hợp xấu nhất không thể cứu được di sản”, TS Minh Lý nhấn mạnh.

Chiến dịch vì ca trù

Kể từ khi được UNESCO vinh danh năm 2009, ca trù vẫn trong tình trạng cần hà hơi thổi ngạt. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, năm 2015 Sở có hẳn kế hoạch hành động dành riêng cho ca trù.

So với con số 7 CLB ca trù thống kê năm 2009 để trình hồ sơ UNESCO, hiện con số này lên hơn gấp đôi. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa của Sở, trong quá trình thống kê phát hiện ra vấn đề rất chung chiêng - cộng đồng tự bảo vệ, phát huy, có CLB bị giải thể vì nghệ nhân chủ nhiệm không còn, hoặc do sáp nhập.

“May mắn là công tác truyền dạy không bị gián đoạn, dù có CLB bị giải thể”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở nói. Thời gian qua, Sở hỗ trợ một số CLB trang thiết bị âm thanh phục vụ sinh hoạt, truyền dạy và biểu diễn; khuyến khích CLB gửi người dự thi các liên hoan ca trù Hà Nội, toàn quốc và đạt thành tích đáng kể. Trong khuôn khổ khai mạc triển lãm ảnh Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, 6 ca nương nhí (nhỏ nhất 5 tuổi) trình diễn hát Bỏ bộ ấn tượng. “Trao truyền đến được thế hệ 4, 5 tuổi thì xem ra sức sống ca trù vẫn tốt lắm, chẳng qua người ta chưa hiểu, chưa ý thức tốt hơn thôi”, một chuyên gia nói.

Một trong những khó khăn của các CLB là điểm biểu diễn. Hiện, Hà Nội tạo điều kiện cho các CLB luân phiên diễn tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc). Lãnh đạo Sở cho biết thêm, sắp tới đền Bà Kiệu tu bổ xong, cũng là nơi biểu diễn ca trù phục vụ du khách quốc tế và người yêu ca trù trong nước.

Đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là, nếu nhà nước can thiệp quá sâu sẽ làm mất sức sáng tạo, bản sắc của cộng đồng. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, với những di sản mà người dân không nhận thức được rằng đang rơi vào tình trạng khẩn cấp, không có khả năng tự bảo vệ thì nhà nước phải chung tay ở mức độ thích hợp. Quan trọng nhất vẫn là xác định rõ đối tượng bảo tồn.

Lễ hội đang bị hành chính hóa

Các chuyên gia nhắc lại, bất cập nhận thức trong quản lý dẫn đến làm sai lệch giá trị di sản. “Gần 700 lễ hội tại Hà Nội nhưng na ná nhau, hành chính hóa, cứ mít tinh, chào cờ”, TS Lý nói. Đây là sự thiếu tôn trọng cộng đồng, can thiệp và làm giảm tính thiêng của nhiều lễ hội, nghi thức.


MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.