Rối nước có thể thành di sản UNESCO?

Rối nước Việt Nam sắp được đề xuất làm hồ sơ trình UNESCO
Rối nước Việt Nam sắp được đề xuất làm hồ sơ trình UNESCO
TP - NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết, sắp đề nghị Chính phủ đồng ý để nghệ thuật múa rối nước xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Đó là một trong số đề xuất để góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa rối của NSND Lê Tiến Thọ, nhân hội thảo mới đây về “xây dựng tiết mục Múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới”. Hai nhà hát Múa rối Thăng Long và Múa rối Việt Nam vẫn ăn nên làm ra, nhưng có dấu hiệu nhàm đối với khách du lịch nước ngoài, và đối mặt không ít thách thức trong bảo tồn.

“Nhà hát Thăng Long mỗi năm phục vụ gần nửa triệu khán giả trong ngoài nước, nhiều khán giả quốc tế xem đến lần thứ hai, ba, rất mong muốn chương trình thay đổi. Khi được giải thích múa rối nước có đặc thù riêng không thể mỗi đêm một chương trình khác nhau họ thông cảm nhưng vẫn muốn năm sau quay lại sẽ được xem trò mới”, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, GĐ Nhà hát kể.

Cả kho tàng phong phú, sao không khai thác? “Trong múa rối nước, khâu chế tạo con rối, nhất là bộ máy điều khiển là vô cùng quan trọng, nó gần như quyết định thành bại của tiết mục. Các phường rối cổ truyền đều bí mật cách làm bộ máy, chỉ một vài nghệ nhân cao niên nắm bí quyết nên khi các cụ khuất núi, cũng thất truyền. Hàng trăm tích trò nhưng rất khó khăn trong phục hồi, đa phần trò diễn đều ở dạng ký ức nhớ lại, không có hiện vật kiểm chứng”, ông Tuấn nói.

Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao- Nhà hát Múa rối VN cho rằng khi mà người xem “thông minh hơn”, xã hội phát triển về kỹ thuật, nghệ thuật, cần nghiêm túc xem xét thực trạng. “Chúng ta đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân lực”, ông nói. Giám đốc Nhà hát Múa rối VN Ngô Thanh Thủy cũng nói, nhân lực cũng là điểm nóng bức xúc nhất hiện nay, khi mà nghệ nhân gạo cội thưa vắng, nghệ nhân ở các phường rối cũng dần ra đi.

Những năm gần đây, các nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo những vở rối nước: Truyện cổ Andersen, Linh thiêng hai tiếng đồng bào, Hồn quê, cùng nhiều tiết mục rối mang hơi thở đương thời. Tuy nhiên, lại có người cho rằng, bản sắc của rối nước là sự hồn nhiên giản dị nên đòi hỏi “chất lượng nghệ thuật cao, có giá trị tư tưởng cao trong giai đoạn mới” có vẻ đao to búa lớn.

Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Phương du khách xem rối nước vì nó “độc nhất vô nhị, và điều làm họ thích thú nhất chính là sự tinh xảo của con rối và nghệ thuật điều khiển điêu luyện”. Nhà biên kịch Lê Quý Hiền cũng cho rằng, yếu tố để khán giả “thích và thèm” không hẳn là câu chuyện trong rối hay tính tư tưởng rõ ràng trong rối, mà quan trọng hơn là tính nghệ thuật của rối nước bởi bản thân vẻ đẹp của rối nước cũng đã mang tính tư tưởng.

Một nghệ nhân cao tuổi ở phường rối Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) có ý nói, đừng coi rối nước cổ truyền là trẻ con, mà giá trị tư tưởng rất cao: Phải xem cho kỹ, bên cạnh con trâu cày bừa là con trâu ăn cỏ, ở đấy có sự ganh tị, cuối cùng con trâu đi cày luôn thắng. “Tìm cái mới không khéo có thể đánh mất đặc sản, như thể bún riêu bún ốc hiện nay người ta cho thêm cả giò, thịt bò, đậu phụ rán vào” anh Lê Quý Hiền nói.

Cả nước có năm đơn vị nghệ thuật múa rối công lập, hàng chục phường rối cổ truyền và các CLB, hộ gia đình múa rối tại địa phương. Năm 2006, Nhà hát Thăng Long nghiên cứu khoa học về múa rối, thống kê được hàng trăm trò diễn.

Song thực tế, từ nhà hát chuyên nghiệp đến các phường rối đều diễn cùng chương trình, nhàm chán cho người xem. Quanh quẩn mãi chỉ hơn chục trò: Tễu giáo đầu, vật cờ, tứ linh, múa sư tử, chăn vịt, đuổi cáo, bát tiên, cày bừa, chọi trâu, đánh cá...

MỚI - NÓNG