Ảnh minh họa. |
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2.
Trong đó quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ…
Không cần chờ đến 2 năm khi giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động
Cũng trong tháng 2/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực quy định việc người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.
Cũng theo quy định mới, người lao động còn được Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nếu kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.
Quy định mới về đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú
Từ 5/2, Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực quy định mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký gồm trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…
Ảnh minh họa. |
Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc như hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp… Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.