Trong chuyến công du tới New Zealand, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/7 nói rằng, quyết định giải thích lại hiến pháp của nước này là nhằm cho phép quân đội bảo vệ các đồng minh bị tấn công vũ trang, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông. Thủ tướng New Zealand John Key bày tỏ ủng hộ sự thay đổi chính sách này của Nhật Bản.
Nhật Bản và New Zealand sẽ nghiên cứu khả năng ký thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Quốc phòng New Zealand trao đổi trang thiết bị và dịch vụ, báo Nhật Bản Japan Times đưa tin.
Sau New Zealand, Thủ tướng Abe sang thăm Úc, hội đàm với Thủ tướng Úc Tony Abbott vào hôm nay, sau đó sẽ có phát biểu đầu tiên tại Nghị viện Úc. Hai nước dự kiến ký thỏa thuận hợp tác phát triển thiết bị quốc phòng, sau khi Nhật Bản nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí.
Tấn công ngoại giao
Nỗ lực tấn công ngoại giao của Bắc Kinh nhằm vào Tokyo được thể hiện trong lễ kỷ niệm 77 năm sự kiện châm ngòi cho chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai. Phát biểu tại buổi lễ được truyền hình trực tiếp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án những ai “phớt lờ sự thật lịch sử” - một sự ám chỉ nhằm vào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hôm qua là ngày kỷ niệm 77 năm sự kiện 7/7/1937, khi quân đội Trung Quốc và Nhật Bản đấu súng gần cây cầu Marco Polo - cửa ngõ dẫn vào Bắc Kinh. Thông thường, lãnh đạo Trung Quốc chỉ phát biểu tại lễ kỷ niệm năm tròn, chẵn (5 hoặc 10 năm), nhưng năm nay, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và quan chức chính phủ cùng tham dự lễ kỷ niệm vào năm lẻ nhưng có quy mô lớn
Báo Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn cầu) bình luận: “Một lễ kỷ niệm lớn như vậy sẽ nhắc nhở mọi người rằng, lịch sử phải được đối xử bằng thái độ đúng đắn, sau khi Nhật Bản đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang rời bỏ con đường phát triển hòa bình”.
Hãng tin Nhật Bản Jiji Press đưa tin, từ hôm 3/7, Trung Quốc ngày nào cũng cho xuất bản nhiều tài liệu lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Nhật. Đầu năm nay, Quốc hội Trung Quốc thông qua đề xuất dành 2 ngày tưởng niệm liên quan Nhật Bản trong chiến tranh, gồm Ngày chiến thắng Nhật Bản 3/9 đánh dấu Thế chiến 2 chính thức kết thúc, và Ngày kỷ niệm toàn quốc các nạn nhân của cuộc Thảm sát Nam Kinh (1937-1938) vào ngày 13/12 - sự kiện được cho là khiến 300.000 người chết dưới tay quân đội của Đế quốc Nhật.
Năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm chấm dứt “chiến tranh chống phát xít” - cụm từ Trung Quốc sử dụng để đánh dấu sự xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến 2. Những lễ tưởng niệm và sự kiện liên quan Nhật Bản được tăng cường quy mô trong bối cảnh hai nước ngày càng bất đồng vì tranh chấp chủ quyền biển đảo và các vấn đề lịch sử.
Global Times dẫn lời một nhà nghiên cứu kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông mà hai nước đang tranh chấp; giải quyết vấn đề “phụ nữ giải trí” (phụ nữ ở các nước bị Nhật chiếm đóng bị ép phải phục vụ trong các nhà thổ quân đội Nhật thời Thế chiến 2); lãnh đạo Nhật Bản ngừng đến thăm đền Yasukuni (nơi thờ 14 tướng Nhật bị Tòa án Đồng minh xử tử vì tội ác chiến tranh); từ bỏ giải thích lại hiến pháp hòa bình cho phép phòng vệ tập thể.
Ấn Độ “chê” tiền Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa được báo chí nước này ca ngợi vì đã từ chối để Trung Quốc đóng góp nhiều tiền hơn vào ngân hàng đa quốc gia mới của BRICS (tổ chức các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Theo báo chí Ấn Độ, sự khước từ này giúp ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị định chế tài chính mới. Ngân hàng của BRICS sẽ hoạt động từ năm 2016, đối trọng ảnh hưởng quá lớn của Mỹ trong các tổ chức tín dụng quốc tế và khu vực, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.
Số vốn dự kiến ban đầu của ngân hàng này là 50 tỷ USD, nên mỗi thành viên BRICS sẽ góp 10 tỷ USD. Trung Quốc đề nghị được góp nhiều hơn để nâng số vốn của ngân hàng này lên 100 tỷ USD, nhưng bị Ấn Độ bác bỏ.