Hãng thiết bị công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries dự kiến xuất khẩu lô cảm biến hiệu suất cao sang Mỹ để Mỹ dùng trong hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-2 (PAC-2), nhằm bán cho Qatar, nhật báo Nhật Bản Nikkei đưa tin.
Hồi tháng 4, chính phủ Nhật nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã áp dụng nhiều năm qua, nhằm cho phép nước này tham gia các chương trình phát triển vũ khí quốc tế, cũng như mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Cảm biến PAC-2 là linh kiện chính trong thiết bị quét hồng ngoại được đặt trên mũi tên lửa, giúp xác định và đuổi theo mục tiêu phía trước.
Nhật Bản lạnh nhạt với kế hoạch lập ngân hàng của Trung Quốc
Trong một động thái khác, Nhật Bản vừa trả lời Trung Quốc rằng, họ không muốn nhận lời mời trở thành quốc gia sáng lập của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh dự kiến thành lập ở châu Á vào mùa thu năm nay, báo Nhật Bản Japan Times dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết.
Các nhà quan sát cho rằng, quan điểm của Tokyo về ngân hàng này có thể ảnh hưởng cách phản ứng của các nước đối với bước đi của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước cảnh báo của Mỹ về tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Tony Abbott vào ngày mai có thể sẽ thúc giục Úc không tham gia AIIB, các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói.
Trong cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng trước, ông Jin Liqun, trưởng nhóm công tác về việc thành lập AIIB, đề nghị Nhật Bản cung cấp vốn cho dự án nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế châu Á. Nhưng ông Mitsuhiro Furusawa, Thứ trưởng Tài chính phụ trách vấn đề hợp tác quốc tế, nói với ông Jin rằng Tokyo “không thấy thuyết phục”. Quan chức Nhật Bản cũng bày tỏ nghi ngờ về tính cần thiết của dự án, vì đã có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang đóng vai trò này.
Nhật Bản và Mỹ hiện là hai cổ đông lớn nhất của ADB - tổ chức tài chính cấp vốn cho các nước châu Á trong quá trình công nghiệp hóa trong khoảng 50 năm qua. Từ khi ADB được thành lập, cương vị chủ tịch luôn do người Nhật Bản đảm trách. Tokyo gần đây quyết định phối hợp với Washington duy trì hiện trạng của ADB với 67 thành viên, trong đó Trung Quốc có gần 6% cổ phần. Năm 2009, ngân hàng này tăng gấp ba số vốn, từ 55 tỷ USD lên 165 tỷ USD.
Theo giới quan sát, vì lá phiếu trong tổ chức tài chính này được phân bổ cho các thành viên dựa trên đóng góp tài chính của họ, nên Trung Quốc đang muốn thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản trong ngành tài chính châu Á bằng việc lập nên AIIB, với số vốn ban đầu dự kiến khoảng 50 - 100 tỷ USD.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo kế hoạch lập AIIB từ tháng 10 năm ngoái. Bắc Kinh sau đó nỗ lực mời nhiều nước, trong đó có cả các nước ASEAN, rót vốn. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, Bắc Kinh tổ chức hàng loạt sự kiện để chuẩn bị thành lập ngân hàng.
Trong sự kiện diễn ra hôm 10/6, số quốc gia đồng ý tham gia đã lên tới 22, nhưng những nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương không sẵn lòng. Một số quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói rằng, Mỹ đã gây sức ép để đồng minh Hàn Quốc không tham gia AIIB. Ấn Độ cũng không muốn tham gia vào tổ chức mà Trung Quốc chiếm hơn nửa cổ phần, nhưng Úc có thể quan tâm vì đây là cách họ tăng cường đầu tư hạ tầng ở châu Á.