Nhật Bản bỏ luật cấm đưa quân đội ra nước ngoài

Thay đổi chính sách quốc phòng được xem là thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo
Thay đổi chính sách quốc phòng được xem là thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo
TP - Chính phủ Nhật Bản ngày 1/7 chính thức bãi bỏ luật cấm quân đội tham chiến ở nước ngoài có hiệu lực từ năm 1945. Chiến thắng lịch sử này của Thủ tướng Shinzo Abe khiến Washington hoan nghênh nhưng Bắc Kinh giận dữ.

Thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ khi nước này thành lập lực lượng vũ trang thời hậu chiến cách đây đúng 60 năm sẽ khiến Tokyo có nhiều lựa chọn quân sự hơn, đặc biệt là trợ giúp nước đồng minh bị tấn công. Nội dung mới này không đến từ việc sửa đổi hiến pháp mà là giải thích lại hiến pháp.

  

Với bước đi này, Thủ tướng Abe đã đưa Nhật Bản đóng góp tích cực, chủ động hơn vào nền hòa bình và an ninh toàn cầu, cũng như củng cố khả năng phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ (SDF) khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt những hiểm họa an ninh ngày càng lớn, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin hôm qua. 

Nhật Bản sẽ đưa ra những điều kiện mới cho việc sử dụng vũ lực vào mục đích tự vệ, mở rộng khái niệm “tối thiểu” được phép theo hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ, hoặc bảo vệ các đồng minh bị tấn công ngay cả khi bản thân Nhật Bản không bị tấn công. 

Nhật Bản cũng sẽ được phép sử dụng vũ lực nếu “sự tồn tại của đất nước bị đe dọa, có những mối đe dọa rõ ràng đối với quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân” Nhật Bản hoặc “những nước có quan hệ gần gũi” bị tấn công vũ trang. Nhật Bản được phép sử dụng vũ lực trong những trường hợp như vậy nếu “không còn cách thích hợp nào khác” và việc sử dụng vũ lực cũng chỉ được phép ở mức tối thiểu, Kyodo đưa tin.

Theo tài liệu của chính phủ Nhật Bản, nước này sẽ tiếp tục là một “nhà nước hòa bình”. Tài liệu cũng nói rằng, mức độ nghiêm trọng của các tình huống an ninh và sự trỗi dậy của những mối đe dọa trên biển, trên không, trên mạng internet là lý do Nhật Bản cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể, và “không riêng quốc gia nào có thể bảo vệ hòa bình một mình nữa”. 

Phòng vệ tập thể là vấn đề nhạy cảm ở Nhật Bản vì từ khi Thế chiến II kết thúc, Điều 9 của Hiến pháp cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Sợ phá vỡ liên minh nếu tiếp tục phản đối việc giải thích lại Điều 9, đảng NKP trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản cuối cùng đã nhượng bộ để chấp thuận việc cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể theo cách thức hạn chế. SDF không được phép đến các vùng chiến sự vì Nhật Bản cam kết “chính sách chỉ hướng tới phòng thủ” theo tinh thần của Hiến pháp hòa bình. 

Những người theo đường lối bảo thủ ở Nhật Bản nói rằng, trước đây, Điều 9 của Hiến pháp hạn chế đáng kể khả năng Nhật Bản tự bảo vệ mình, và cán cân quyền lực khu vực đang thay đổi, trong đó có việc Trung Quốc đang trỗi dậy, cho thấy các chính sách của Nhật Bản cần linh hoạt hơn.

Trung Quốc giận dữ 

Thay đổi của Nhật Bản vấp phải phản ứng tức giận của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này ngày càng hành động hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. “Trung Quốc phản đối Nhật Bản ngụy tạo mối đe dọa từ Trung Quốc để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị trong nước”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh. 

Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đang làm gia tăng căng thẳng khu vực và tìm cách biện hộ cho những nỗ lực của ông Abe nhằm thay đổi quá khứ chiến tranh của Tokyo bằng giọng điệu ít hối lỗi hơn. 

“Nhưng Nhật Bản mạnh không có nghĩa là họ sẽ hiếu chiến”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Richard Samuels, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). 

Tuy nhiên, bước đi của Nhật Bản chắc chắn sẽ được Mỹ cũng như các nước Đông Nam Á hoan nghênh. Lâu nay, Mỹ vẫn thúc giục Nhật Bản trở thành đối tác, đồng minh tương xứng hơn. Tokyo và Washington có kế hoạch sửa đổi hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương vào cuối năm nay để cụ thể hóa vai trò của SDF và quân đội Mỹ. 

Theo các nhà phân tích, chưa rõ việc giải thích lại hiến pháp sẽ dẫn tới những điều cụ thể gì trong thực tế, nhưng chắc chắn sẽ mở rộng đường cho Nhật Bản tham gia tập trận với các nước khác ngoài Mỹ. 

Cử tri Nhật Bản vẫn lo ngại đất nước họ sẽ dính dáng đến những cuộc xung đột ở nước xa xôi nào đó như Iraq. “Tôi chỉ thấy điều đó có thể xảy ra ở gần Nhật Bản. Tôi không nhìn ra khả năng Nhật Bản triển khai lực lượng ở nơi xa”, ông Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương (cơ quan tư vấn có trụ sở tại Mỹ), nói.

Khoảng 2.000 người dân Nhật Bản phản đối giải thích lại Hiến pháp sáng qua tụ tập trước văn phòng của Thủ tướng Abe. Họ cho rằng, bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến pháp đều phải được quyết định thông qua trưng cầu dân ý, chứ không chỉ Nội các được quyết định. 


Theo Theo Kyodo, SCMP
MỚI - NÓNG