Nhật Bản củng cố năng lực phòng thủ tên lửa

Tàu lớp Maya mới được hạ thủy.
Tàu lớp Maya mới được hạ thủy.
TP - Tàu khu trục thuộc lớp Maya, dài 170m, lượng choán nước 8.200 tấn, phiên chế cho hải quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) được hạ thủy hôm qua tại Yokohama, theo Japan Times.

Tờ báo Nhật nói đây là nỗ lực củng cố năng lực phòng thủ của nước này trước các tên lửa của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Con tàu với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân, chưa được lắp đặt các vũ khí chính, sẽ được bàn giao cho MSDF vào tháng 3/2020. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã đặt nhiều kỳ vọng vào lớp tàu mới.  Khi được triển khai, tàu khu trục với đơn giá 1,5 tỷ USD này sẽ trở thành một trong những tàu chiến uy lực nhất của hải quân Nhật Bản.

Hệ thống Aegis bao gồm các máy tính cực mạnh, radar và các bệ phóng tên lửa có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu, có thể khai hỏa một số tên lửa cùng lúc.

Các hỏa tiễn SM-3 Block IIA mạnh mẽ có năng lực đánh chặn  các tên lửa đạn đạo có tốc độ nhanh hơn nhiều, ví dụ những tên lửa có quỹ đạo cầu vồng mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm năm ngoái trên Biển Nhật Bản.

Nhật Bản củng cố năng lực phòng thủ tên lửa ảnh 1

Một tàu khu trục lớp Atago của hải quân Nhật Bản. Ảnh: Japan Times/Wikipedia.

Mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu cải thiện sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6 với một số cam kết hòa bình, các quan chức Nhật Bản vẫn tỏ ra hoài nghi. Giới chức quốc phòng nước này vẫn duy trì kế hoạch đóng hai tàu khu trục lớp Maya và thậm chí là thiết lập hệ thống phòng không Aegis trên bờ tại các tỉnh Akita và Yamaguchi nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo. “Chúng ta không thể ngoảnh mặt đi trước thực tế nghiệt ngã rằng hàng trăm tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Nhật Bản vẫn đang tồn tại”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói trong một công văn gửi tới chính quyền tỉnh Akita hôm 19/7.

Mặc dù được nhiều chuyên gia trên thế giới xếp vào hàng hiện đại nhất châu Á, hải quân Nhật vẫn đang đóng tiếp tàu lớp Maya thứ hai và nâng cấp hệ thống Aegis trên hai chiến hạm lớp Atago.

Theo kế hoạch, đến năm 2012, Nhật Bản sẽ có tám khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis có năng lực chống tên lửa đạn đạo, bốn trong số này có khả năng phóng các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA.

Quyết định đóng các tàu lớp Maya của MSDF bắt nguồn từ các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản mà không báo trước, theo phân tích của phó đô đốc nghỉ hưu Toshiyuki Ito. “Trước đây, MSDF thường phái các tàu khu trục Aegis đi giám sát tên lửa chỉ sau khi họ phát hiện thấy một số dấu hiệu cho thấy có khả năng Bắc Triều sẽ thử tên lửa”, ông Ito nói. “Nhưng gần đây Bình Nhưỡng bắt đầu thường xuyên thử tên lửa mà không có dấu hiệu nào báo trước.Vì thế MSDF cần thường xuyên triển khai các tàu khu trục Aegis” tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Theo phó đô đốc Ito, hiện MSDF đang bị phân tán nhiệm vụ bởi ngoài Biển Nhật Bản, họ còn phải để mắt đến khu vực Biển Hoa Đông, nơi Nhật đang có tranh chấp quần đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Các quan chức quốc phòng Nhật thường công khai nhấn mạnh rằng tên lửa SM-3 Block IIA sẽ hiệu quả trong việc bảo vệ nước này trước các tên lửa của Triều Tiên. Nhưng ông Ito tin rằng việc giới thiệu tàu khu trục Aegis mới nhất giúp Bộ Quốc phòng Nhật Bản đạt được mục tiêu quan trọng hơn nhưng ít được công khai đề cập hơn: đó là củng cố liên minh quân sự Nhật-Mỹ.

Hệ thống Aegis nâng cấp trên tàu lớp Maya có thể dễ dàng kết nối và tích hợp với các hệ thống tên lửa trên hạm của Mỹ. Các tàu lớp Maya đã được lên kế hoạch trang bị  CEC, hệ thống cảm biến theo thời gian thực do Mỹ chế tạo, cho phép tàu chiến Nhật Bản chia sẻ các dữ liệu radar  cũng như dữ liệu điều khiển hỏa lực với hải quân Mỹ.

Hệ thống chiến đấu mới thậm chí có thể phóng các tên lửa đối không SM-6, được nói là có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình uy lực mới được Trung Quốc phát triển gần đây, theo lời ông Ito.

Hôm Chủ nhật vừa qua, tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc đăng bài chỉ trích  việc cho ra đời tàu Maya của phía Nhật là “có khả năng nhắm tới Trung Quốc và đe dọa các nước khác”.
MỚI - NÓNG
TPHCM và Nam bộ sắp mưa dông, lốc
TPHCM và Nam bộ sắp mưa dông, lốc
TPO - Cơ quan khí tượng dự báo, chiều và đêm nay (27/7), khu vực Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM: Hối hả chạy đua tiến độ
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM: Hối hả chạy đua tiến độ
TP - Sau 13 lần lỡ hẹn, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai các công việc cuối cùng để hoàn thành và đưa vào vận hành đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) trong tháng 7/2024. Cùng với đó, tuyến metro số 1 của TP HCM cũng “chạy nước rút” để kịp vận hành.