Nhận thức và kỳ vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước Ngày Doanh nhân 13/10 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết quan trọng (số 41-xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới).

Cụm từ “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” được đề cập. Việc này cho thấy, doanh nhân nếu làm ăn chân chính sẽ được nhà nước bảo vệ. Nhận thức về doanh nhân cũng nâng tầm hơn, như: Là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần thúc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhớ lại những doanh nhân xưa, như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô (ủng hộ hơn 5 nghìn lượng vàng trong “Tuần lễ vàng” giữa thời điểm ngân khố quốc gia khó khăn)… họ đều là một phần trong lịch sử yêu nước. Hàng chục thập kỷ đã trôi qua, nhưng tinh thần doanh nhân tự cường, yêu nước, thương nòi vẫn còn mới nguyên.

“Phải làm sao để ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu bốn biển; để cả thế giới biết đến người Việt và đất nước Việt Nam” như doanh nhân Bạch Thái Bưởi từng bày tỏ khát vọng. Điều này một lần nữa được khẳng định thêm ngay trong Nghị quyết 41: Cổ vũ, tôn vinh đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật.

Trong khó khăn, như giai đoạn phải cạnh tranh khốc liệt với giới chủ-những kẻ thực dân đô hộ trên chính tổ quốc mình (Thế kỷ 19), các doanh nhân dân tộc dường như càng hun đúc thêm tính tự tôn và sức mạnh nội sinh. Ngày nay, môi trường kinh doanh được cải thiện rất nhiều.

Quốc hội thậm chí linh hoạt tới mức sẵn sàng họp thảo luận để tu chỉnh kịp thời một chính sách nào đó cho phù hợp với yêu cầu của đời sống. Có những giai đoạn, Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát nhằm tháo gỡ những rào cản gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu gần 10 thập kỷ trước, số lượng doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay ước tính cả nước có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp và đóng góp khoảng 60% GPD.

Tất nhiên, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước bối cảnh thế giới đem lại. Điều này cũng dễ hiểu, do nền kinh tế có độ mở cao. Chỉ cần đâu đó trên thế giới xảy ra xung đột, giá nhiên liệu leo thang… cũng khiến trong nước bị tác động.

Chưa kể, doanh nghiệp Việt sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng với khối FDI ngay trong nội địa. Điều này đặt ra câu chuyện: Chấp nhận đổi mới hay lép vế và bị bóp chết. Công nghệ thực sự đem đến sự bình đẳng đó. Thay vì tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, một doanh nghiệp áp dụng công nghệ sớm có thể tạo bước nhảy vọt.

Tham vọng của Bộ KH&ĐT khi mở Trung tâm Đổi mới Quốc gia chính là tập hợp những nhân tố có thể góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học và công nghệ. Kỳ vọng tương lai kinh tế Việt Nam sẽ chuyển đổi mô hình mạnh mẽ để sớm đưa đất nước đến những giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.

MỚI - NÓNG