Tại Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, diễn ra sáng 11/10, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, Bộ Chính trị vừa thông qua Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo ông Phạm Tấn Công, nghị quyết này có nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Những nội dung của nghị quyết rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - chia sẻ về điểm mới của Nghị quyết 41. Về quan điểm, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
“Nghị quyết 41 nêu rõ, xây dựng, cổ vũ, tôn vinh đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật. Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam gắn với cộng đồng đồng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển sản xuất kinh doanh và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và doanh dân gắn với quá trình hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Đỗ Ngọc An cho biết.
Nghị quyết 41 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đảm bảo thực hiện quan điểm, mục tiêu, gồm: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; động viên đội ngũ doanh nhân xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh...
"Khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp. Chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm trong kinh doanh, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế", ông An cho biết.
Theo lãnh đạo VCCI, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có gần 900.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023. |
Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp khoảng 2-3 triệu người. Nếu tính tất cả người làm kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện doanh nghiệp tư nhân lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.