Nhân tai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2021, Kon Tum ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ trở lên. Đặc biệt, từ ngày 18/4 đến nay đã ghi nhận xảy ra liên tục 22 trận động đất từ 2,5 đến 4,5 độ, lớn hơn gấp 5 lần lịch sử hơn 100 năm qua.

Một hiện tượng rất bất thường đối với Kon Tum cũng như khu vực Tây Nguyên trong nhiều năm qua.

Giả thiết ban đầu được đại diện Viện Vật lý địa cầu đưa ra cho thấy, các vụ động đất có thể có nguồn gốc từ việc Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước từ tháng 3/2021 gây áp lực đến kết cấu địa chất. Những tiếng ùng oàng trong lòng đất, các cơn dư trấn rồi rung lắc, động đất giống trường hợp Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam) trước đây giờ lại lặp lại. Những giấc ngủ của người dân giờ bỗng dưng sẽ trở lên thấp thỏm khi không rõ nguyên nhân vì sao động đất lại xảy ra.

Dù qua rất nhiều năm, công tác dự báo đã được cải thiện rất nhiều nhưng không có cách nào để ngăn những trận động đất xảy ra. Những thiệt hại do động đất gây ra luôn rất thảm khốc, không kém sóng thần, bão lớn. Với những trận động đất lớn, cả một thành phố nhiều triệu dân với những công trình mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành cũng sẽ nhanh chóng bị xoá sổ chỉ sau ít phút rung lắc. Khi mọi chuyện được làm rõ về nguyên nhân thì tất cả cũng đã thành quá muộn.

Theo những chuyên gia trong ngành điện, việc thuỷ điện tích nước tạo ra những rung chấn không phải là việc hiếm gặp trong quá trình xây dựng các thuỷ điện quy mô lớn. Các công trình thuỷ điện quy mô lớn ở nước ta như Thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu rồi mới đây nhất là Sông Tranh cũng đều gây ra các trận động đất. Nhưng với thời gian, số lượng và cường độ các trận động đất sẽ giảm dần đi. Vấn đề quan trọng nhất bên cạnh mối lo từ động đất, chính là giám sát việc thi công, giám sát chất lượng các công trình thuỷ điện, với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng cũng như khả năng chống động đất, là nhiệm vụ đặt ra lúc này. Chỉ một chút sai sót sẽ gây hậu quả khôn lường.

Với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc xây dựng các nhà máy điện, dù theo hình thức nào, từ thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều cho đến điện hạt nhân, đều để lại những tác động đến thiên nhiên và môi trường. Không có lựa chọn nào là tối ưu tuyệt đối cho Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trong việc phát triển các nguồn năng lượng để cung cấp cho nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia, về lâu dài, thuỷ điện vẫn là giải pháp an toàn nhất, hiện quả nhất. Còn việc địa phương lợi dụng làm thuỷ điện, tiếp tay cho phá rừng, băm nát môi trường sinh thái… là câu chuyện ít gặp nhưng không có nghĩa chưa từng xảy ra.

Với thuỷ điện Thượng Kon Tum, việc cơ quan quản lý yêu cầu tạm dừng tích nước cũng chỉ là biện pháp ban đầu để trấn an người dân. Bên cạnh việc tìm rõ nguyên nhân gây động đất, có biện pháp tuyên truyền, làm rõ cho người dân an tâm sinh sống là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra với các cơ quan quản lý lúc này. Những thông tin không rõ ràng, chưa được kiểm chứng được lan truyền theo cách rỉ tai, truyền miệng với sự tiếp sức của mạng xã hội sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường trong xã hội. Cơ quan quản lý, nếu chỉ trấn an suông người dân, mà không có các giải pháp kiểm soát chất lượng công trình thuỷ điện, sẽ là một tội ác nếu thảm họa xảy ra. Những “nhân tai” này có thể được hạn chế nếu người dân được thông tin rõ ràng, minh bạch.

MỚI - NÓNG