Nhận lỗi, rồi sao nữa?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn hai tháng ở tâm dịch tại TPHCM, một trong những “trận địa” ác liệt nhất của cuộc chiến chống COVID-19, đến bây giờ, thi thoảng anh bạn bác sỹ của tôi vẫn giật mình thảng thốt vào lúc giữa đêm. Tiếng thở dốc; những gương mặt trắng bệch của bệnh nhân COVID-19 đôi lúc vẫn chập chờn xuất hiện trong giấc ngủ của anh…

Tình nguyện vào “tâm dịch” khi các đồng nghiệp tại TPHCM đã gần như kiệt sức, bạn tôi và hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, các chiến sĩ quân y,… đến từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chung sức, gánh vác và chia sẻ công tác chống dịch với nhân viên y tế TPHCM. Cùng với các lực lượng khác nơi tuyến đầu, các y bác sỹ đã chiến đấu không mệt mỏi và dần kiểm soát được đại dịch COVID-19 toàn cầu. Để đầu tàu kinh tế TPHCM khoẻ lại như hôm nay, đã có những chiến sĩ áo trắng ngã xuống. Không ít người vẫn chưa thôi ám ảnh về những tháng ngày đau thương, mất mát khi trở về cuộc sống thường nhật. Những hy sinh và đóng góp to lớn ấy của các lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu, đặc biệt là các y bác sĩ trên cả nước cần được chính quyền và các cơ quan chức năng của TPHCM ghi nhận một cách trân trọng và kịp thời.

Vì lẽ đó, tâm thư của giám đốc Sở Y tế TPHCM kèm theo lời xin lỗi do chậm thực hiện chính sách khen thưởng 40.000 nhân viên y tế trên cả nước đã tham gia chống dịch tại TPHCM gần một năm trước làm nhiều người dễ chia sẻ. Lý do bởi ngay sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, Đảng bộ, chính quyền và ngành y tế TPHCM đã thực hiện hàng loạt chương trình tri ân các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch đến từ các địa phương, cơ quan, đơn vị bạn.

Không ai trách người đứng đầu ngành y tế TPHCM vì chính ông đã dũng cảm bóc trần câu chuyện đáng hổ thẹn này. Từ đó, lãnh đạo TPHCM đã đốc thúc các cơ quan, đơn vị liên quan gấp rút thực hiện. Điều khiến dư luận bức xúc là số tiền dùng để chi cho việc khen thưởng chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với tầm vóc một thành phố đang giữ vị trí đầu tàu kinh tế và đang chịu hàm ơn đồng bào cả nước trong cơn hoạn nạn vừa qua. Hà cớ gì các sở, ban ngành chức năng của TPHCM đùn đẩy, thoái thác và cuối cùng không ai chịu làm?

Càng bức xúc hơn là trong dịp Tết cổ truyền vừa qua, TPHCM đã thực hiện “Tết tri ân” bằng việc tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương, cơ quan, đơn vị để tri ân. Vì lẽ gì, thành phố không tổ chức trao thưởng cho các tập thể, cá nhân y bác sỹ một cách trang trọng hơn để rồi bây giờ phải tổ chức trao thưởng không giống: Gửi giấy khen qua đường bưu điện…

Cùng với “cơn địa chấn” Việt Á, lối hành xử rất đáng chê trách của các cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương mà TPHCM chỉ là một ví dụ chính là giọt nước làm tràn ly tạo ra làn sóng xin nghỉ việc của nhân viên y tế nhiều địa phương. Để làn sóng này không tiếp tục lan rộng, thiết nghĩ đã đến lúc phải xử lý nghiêm khắc các hành vi làm lung lay niềm tin của các y bác sỹ thay vì chỉ một lời xin lỗi suông rồi đâu lại vào đấy...

MỚI - NÓNG