Nhà sàn 80 tuổi từ hàng trăm cây quế ở Thanh Hóa

Ngôi nhà sàn của ông Tâm mang đậm nét văn hóa người Thái nơi đây.
Ngôi nhà sàn của ông Tâm mang đậm nét văn hóa người Thái nơi đây.
80 năm tuổi nhưng ngôi nhà sàn gỗ quế của ông Cầm Bá Tâm (thôn Lẹ Tà, xã Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa) vẫn nguyên vẹn qua thời gian.

“Bố tôi về hưu để giúp dân bản”

Theo sự dẫn đường của người dân nơi đây, chúng tôi vượt qua con đường ngoằn nghèo khúc khuỷu tìm về gia đình cụ Cầm Bá An. Trời nhá nhem tối chúng tôi đang hỏi hàng xóm xung quanh để tìm gặp cụ thì một người đàn ông trung niên, dáng người nhỏ nhắn, gầy gò trên vai vác chiếc cày xưng là con trai cụ An. Qua trao đổi chúng tôi được biết ông tên là Cầm Bá Tâm là con trai của cụ Cầm Bá An. Nâng chén trà nóng trên tay, ông Tâm tự hào kể về người cha của mình.

Cha ông là một trong những kỹ sư lâm nghiệp đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, làm việc tại ty nông nghiệp tỉnh. Công việc của cụ An là niềm mơ ước của nhiều người lúc bấy giờ, nhưng bỗng một ngày cụ xin về hưu trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Mà cái lý do cụ đưa ra khiến nhiều người thán phục là về hưu là để đem kiến thức mình học được phổ biến cho bà con dân bản phát triển kinh tế.

Nhà sàn 80 tuổi từ hàng trăm cây quế ở Thanh Hóa ảnh 1

 Cột nhà sàn được làm bằng gỗ quế lâu năm, đường kính lớn.

“Bố tôi được mệnh danh là cuốn từ điển sống về gỗ và cây rừng, khi đưa cho ông cụ bất kỳ mẩu gỗ nào cũng gọi đúng tên, thậm chí biết tỷ mỉ đặc tính mọi loại gỗ trên rừng. Ở đất Thường Xuân này gia đình tôi có công trong việc đổi mới cách làm ăn cho dân bản - đó là trồng quế với quy mô lớn. Bố tôi đã đấu mối với nhiều hãng Đông dược để họ mua quế về làm thuốc”, ông Tâm cho biết.

Gia đình dòng họ nhà ông Tâm cũng là dòng dõi cách mạng. Ông nội ông Tâm là cụ Cầm Bá Lá - anh em họ hàng gần gũi với thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở xứ Mường Trịnh Vạn Cầm Bá Thước. Tuy cụ lớn lên trong gia đình nhà lang, nhưng tính cách chan hòa, gần gũi với dân bản. Cụ Lá được người dân nơi đây truyền tụng là người sống rất tình cảm.

Dùng hàng trăm cây quế cổ thụ để làm nhà sàn

Lần này về gia đình ông Tâm chúng tôi rất tiếc không được gặp cuốn từ điển sống về quế rừng - cụ An đã qua đời mấy năm nay. Những năm 60 của thế kỷ trước, nhờ có vốn kiến thức về lâm nghiệp cụ An đẩy mạnh việc trồng cây quế. Cụ huy động người dân trong vùng lên rừng tìm kiếm quế giống, lấy hạt quế về ươm trồng, thuần hóa cây quế rừng thành quế nhà.

Ông Tâm kể: “Ngày còn sống, mỗi khi người dân không hiểu về cách trồng quế đúng kỹ thuật cụ lại dành thời gian để giảng giải, đến tận nơi hướng dẫn họ làm. Vì vậy, bố tôi rất được người dân trong vùng yêu mến. Đặc biệt, cụ nói là làm, chính cụ cũng là một trong những người trồng quế nhiều nhất vùng”.

“Đối với người dân trong vùng trồng quế chỉ để lấy tinh dầu bán, thân cây thì làm củi nấu. Nhưng cha ông tôi thì không nghĩ như vậy, các cụ quý nâng niu từng khúc gỗ quế. Họ trồng quế còn là để lấy gỗ, tạo nên kiệt tác của ngôi nhà sàn có một không hai ở nơi đây”, ông Tâm kể.

Nhìn vào ngôi nhà sàn cổ kính nằm giữa thôn Lẹ Tà nếu không hỏi gia chủ ít người biết được rằng nó làm hoàn toàn bằng gỗ quế, được xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ trước.

“Ngôi nhà này được gia đình tôi làm cách nay gần 80 năm. Theo lời kể của bố tôi thì để làm ngôi nhà này gia đình tôi phải nhờ rất nhiều người dân tới giúp. Trước khi làm nhà gia đình tôi phải nhờ người đi chặt quế, ngâm cây quế xuống nước vài năm cho gỗ săn chắc. Tổng số cây quế để hoàn thiện ngôi nhà lên tới hàng trăm cây, trong đó có những cây quế rừng cổ thụ có đường kính 50cm trở lên và được làm trong suốt nửa năm mới hoàn thiện”, ông Tâm cho biết.

“Chúng tôi sẽ giữ gìn ngôi nhà cho con cháu”

Điều đặc biệt hơn nữa, đây là ngôi nhà sàn cổ của người Thái nơi đây, trong lòng nhà lát bằng gỗ quế rộng tới vài trăm mét vuông, xe đạp có thể đi vòng quanh nhà. Ngôi nhà này trước đây là nơi sinh sống nhiều thế hệ trong dòng họ ông Tâm. “Tôi là thế hệ thứ 4 sinh sống trong ngôi nhà này, trước đây anh em họ hàng chúng tôi rất đông người, nhiều anh em nghèo, chưa làm được nhà. Vì vậy, ông nội tôi cho các gia đình ở lại đây cùng làm việc và sinh sống. Tuy nhiều gia đình sống chung dưới mái nhà, nhưng mọi người đều hòa thuận, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau”.

Cũng theo ông Tâm, hiện trong thôn Lẹ Tà có gần 30 hộ gia đình đều là những người họ hàng của gia đình ông. Trước đây, đa số họ sống trong căn nhà sàn của gia đình ông Tâm, dần dần họ tách ra sinh sống riêng.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Tâm tồn tại gần 80 năm qua, nhưng vẫn còn rất chắc chắn. Những đợt mưa bão lớn nhiều ngôi nhà trong vùng bị tốc mái, trong khi đó nó vẫn đứng hiên ngang.

Khi chúng tôi hỏi, nếu có một đại gia nào đó ngả giá tiền tỷ, ông có bán lại cho họ không, ông Tâm suy tư đáp: “Thế hệ chúng tôi còn nghèo, đời sống còn khó khăn, nhưng chúng tôi không bán nhà với giá nào cả. Trước khi bố tôi chết, ông đã dặn rằng phải giữ gìn ngôi nhà cho con cháu sau này, bởi nó không chỉ là bảo vật của gia đình mà còn mang giá trị văn hóa của cả xứ quế châu Thường”.

Theo Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.