“Trong lịch sử Mỹ, nếu một đoạn băng tương tự bị rò rỉ, thì lãnh đạo cả 2 đảng sẽ yêu cầu Tổng thống từ chức ngay lập tức”, ông Carl Bernstein – người từng tham gia phanh phui bê bối Watergate viết trên Twitter hôm Chủ nhật.
Ông Bernstein gọi đoạn băng ghi âm của ông Trump là “khẩu súng còn bốc khói”, ám chỉ đây là bằng chứng không thể chối cãi. Đồng thời, nhà báo kì cựu còn cho rằng vụ việc này “tệ hơn nhiều bê bối Watergate”.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ - Kamala Harris - gọi cuộc điện thoại của ông Trump là “tiếng nói của sự tuyệt vọng”, đồng thời cáo buộc ông Trump lạm quyền.
Đoạn băng ghi âm được công bố bởi Washington Post hôm Chủ nhật cho thấy trong cuộc điện thoại kéo dài 1 tiếng, Tổng thống Trump đã chỉ trích người đứng đầu cơ quan đối ngoại bang Georgia – Brad Raffensperger vì “từ chối tuyên bố ông Trump chiến thắng”.
“Tất cả những gì tôi muốn là thế này. Tôi muốn tìm thêm 11.780 phiếu bầu (hiện ông Trump đang thua ông Biden 11.779 phiếu ở Georgia – PV). Như vậy là nhiều hơn một phiếu (so với ông Biden – PV). Vì thực tế chúng tôi đã chiến thắng ở bang này.”
“Các ông nên có một cuộc bầu cử chính xác. Và ông cũng là thành viên đảng Cộng hòa”, ông Trump nhấn mạnh.
“Chúng tôi tin rằng kết quả bầu cử của chúng tôi là chính xác”, ông Raffensperger đáp.
Bê bối chính trị Watergate năm 1972-1974 từng dẫn đến một phiên điều trần luận tội, và Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã phải từ chức. Trước đó, nhóm của ông Nixon bị cáo buộc thuê người đột nhập trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate (thủ đô Washington).
Năm 1974, Nhà Trắng phát hành một đoạn băng ghi âm trong đó ông Nixon và trợ lý chiến dịch Harry 'HR' Haldeman đã gặp nhau tại Phòng Bầu dục và thảo luận cách ngăn chặn FBI điều tra vụ đột nhập.
Việc đoạn băng ghi âm của Tổng thống Trump bị rò rỉ đã tạo nên làn sóng phản đối trên Twitter, với từ khóa #TrumpTapes.
Các cư dân mạng lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ luận tội ông Trump một lần nữa, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông Trump nên tập trung sức lực vào việc ứng phó với đại dịch COVID-19 thay vì tìm cách lật ngược kết quả bầu cử.