Hôm qua, tại Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi của miền Đông Nam bộ nói riêng và là một trong những trung tâm chăn nuôi lớn của cả nước, diễn ra một cuộc họp giữa các nhà khoa học, người chăn nuôi heo và đại diện chính quyền về tình trạng sử dụng salbutamol, một chất cấm thuộc nhóm beta-agonist có khả năng gây ra nhiều tác hại với sức khỏe người tiêu dùng mà nặng hơn cả là nguy cơ ung thư. Có thể nói, vì lợi ích trước mắt, người chăn nuôi Đồng Nai, địa phương có số vụ bị phát hiện dùng chất cấm tạo nạc nói trên nhiều nhất, đang “lấy đá ghè vào chân mình” khi hậu quả nhãn tiền là thịt heo ngày càng mất giá vì người tiêu dùng quay lưng, thương hiệu của ngành chăn nuôi Đồng Nai bị xói mòn. Nguy cơ “treo chuồng” là hoàn toàn có thật.
Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước ngày càng rộng mở, chuyện “mất sân nhà” đối với chăn nuôi Đồng Nai nói riêng và ngành chăn nuôi Việt Nam không phải là điều gì quá xa vời. Trong những năm gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến các mặt hàng, sản phẩm từ chăn nuôi của nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam. Thịt bò Úc tràn ngập các siêu thị TPHCM, cá tầm từ Trung Quốc đổ sang làm lao đao ngành chăn nuôi cá nước lạnh mới manh nha phát triển. Mới đây nhất là câu chuyện cánh gà, đùi gà Mỹ đang đá văng sản phẩm của những trang trại nuôi gà công nghiệp trong nước.
Trong khi đó, câu chuyện chất cấm cứ tồn tại dẳng dai, cứ lắng xuống một thời gian ngắn rồi lại rộ lên khiến người dân luôn phải lo lắng. Trong lúc có thêm nhiều lựa chọn từ hàng ngoại, khả năng người tiêu dùng quay lưng là nhãn tiền.
Tuy nhiên, điều vô lý, theo như nhiều người chăn nuôi nói tại buổi họp, là chỉ một số ít người chăn nuôi hám lợi làm liều gây hậu quả cho cả ngành. Có nhiều người còn nói do sức ép từ thương lái muốn mua heo nhiều nạc để dễ tiêu thụ nên ép giá dẫn đến chuyện người nuôi heo buộc phải dùng chất cấm. Nhưng vì sao cả ngành chăn nuôi lại cứ để một nhóm nhỏ gây hại? Vì sao chúng ta, cụ thể ở đây là giới chăn nuôi trong nước không thể “bảo được nhau”? Vai trò của hiệp hội chăn nuôi, của hội nông dân, hội làm vườn-ao- chuồng ở đâu, trong khi xã nông thôn nào cũng có những tổ chức này? Vai trò của chính quyền cơ sở đâu, khi để một vài người làm khổ cả tập thể? Đây là những vấn đề mà bản thân những người làm nghề chăn nuôi, các tổ chức, hiệp hội cần phải đem ra mổ xẻ tới nơi tới chốn. Nếu không, chuyện thịt lợn nhập khẩu nhảy vào chiếm lĩnh trận địa không còn xa.