Người trẻ xê dịch (kỳ cuối): Trải nghiệm giữa lòng thành phố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi dịch COVID-19 bùng lên khiến “ai ở đâu, ở yên đó” cũng là cơ hội để nhiều người khám phá, trải nghiệm cuộc sống xung quanh mình và ngay tại thành phố mình sinh sống. Từ đó, trong giới trẻ hình thành thói quen “du lịch tại chỗ” thay vì bỏ nhiều thời gian, kinh phí để đi xa.

Tua "0 đồng"

Buổi tối thứ 6, Ngọc, một nhân viên văn phòng ở Thủ Đức lên nhóm Zalo nhắn với các bạn: “Cuối tuần này cả nhóm mình tìm địa điểm nào đó thú vị để thư giãn nhé!” Mọi người nhiệt tình hưởng ứng bằng việc kê ra hàng loạt nơi vui chơi để tham khảo. Sau khi cân nhắc và thảo luận, nhóm của Ngọc quyết định về với thiên nhiên bằng việc “cắm trại” ở bãi trống ven bờ sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức).

Ngọc và nhóm bạn của cô đều sống và làm việc ở TPHCM. Trước dịch bệnh COVID-19, thu nhập còn kha khá nên gần như tháng nào cả nhóm cũng tổ chức phượt bằng xe máy. Những điểm du lịch thường ở các tỉnh như Tiền Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu… Thế nhưng hai năm qua, do dịch bệnh ảnh hưởng thu nhập, hơn nữa khoảng thời gian “ai ở đâu, ở yên đó” đã làm thay đổi quan niệm du lịch của cả nhóm. “Thời gian “ngồi một chỗ”, tụi mình mới thấy ý nghĩa của những chuyến đi nó không chỉ giúp cả nhóm thư giãn, giải phóng năng lượng mà còn được trải nghiệm khám phá những điều mới mẻ. Bởi thế khi dịch vừa tạm qua, cả nhóm đã mơ ước sẽ tổ chức lại các chuyến đi. Hồi cuối năm 2021 vẫn khá khó khăn khi di chuyển đến những địa phương khác, do đó cả nhóm quyết định du lịch ngay trong thành phố” - cô gái trẻ nhớ lại.

Người trẻ xê dịch (kỳ cuối): Trải nghiệm giữa lòng thành phố ảnh 1

Bạn trẻ tại Trung tâm thành phố ngày cuối tuần

Ngọc được giao thiết kế chương trình cho chuyến du lịch đầu tiên của cả nhóm. Khi tìm hiểu khu vực mình ở, Ngọc ngỡ ngàng biết được chỉ quanh khu vực thành phố Thủ Đức cũng có khá nhiều điểm đến đầy thú vị. Từ cảnh đẹp tới các di tích lịch sử, từ những khu vui chơi mãn nhãn hay những quán ăn giá rẻ nhưng có không gian cực đẹp để “tự sướng” (selfie)… Cuối cùng, cả nhóm đã lựa chọn chuyến đi đầu tiên cho ngày cuối tuần sau đại dịch là tới thăm chùa Bửu Long. Ngôi chùa này có thiết kế theo phong cách Thái Lan nhưng vẫn mang dấu ấn của văn hoá Việt với những nét chạm trổ cùng các bức tượng rồng.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị thuộc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, chủ trương “mỗi quận huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách” được xem là ý tưởng sáng tạo nhằm huy động nguồn lực tham gia phát triển ngành du lịch TPHCM.

Ngoài thích thú với kiến trúc, quang cảnh đẹp, nhóm của Ngọc còn học hỏi thêm với việc được trụ trì chùa hướng dẫn cách cầu nguyện. “Đến chùa Bửu Long, khách không cần mang theo nhang đèn mà chỉ cần có lòng thành. Trừ chi phí gửi xe máy, chúng tôi không mất thêm khoản chi phí nào khi vãn cảnh chùa. Quả thật, chúng tôi đã có một buổi trải nghiệm tuyệt vời ở nơi đây” - Ngọc bộc bạch.

Những chuyến du lịch trong lòng thành phố của nhóm Ngọc sau đó cứ thế nhân thêm nhiều địa chỉ khác trong hành trình khám phá. Có khi là quán ăn ven sông với đủ món dân dã mà bình dị; hay chiều chiều cùng cưỡi “chiến mã” ngắm sông Sài Gòn, cầu Ánh Sao… “Từ ngày đó, chúng tôi đã xây dựng để có thêm những chuyến du lịch ngắn trong ngày, chỉ cần khám phá những điểm đến quanh TPHCM cũng đủ cho chúng ta “mỗi tuần có một chuyến đi mới”. Tuyệt vời hơn là kinh phí rất rẻ, có khi chỉ “0 đồng” nhưng cái thu nhận được là vô giá” - Ngọc Bình, một thành viên trong nhóm của Ngọc khoe.

Người trẻ xê dịch (kỳ cuối): Trải nghiệm giữa lòng thành phố ảnh 2

Cắm trại ven sông Sài Gòn là một trong những trải nghiệm tuyệt với ngày cuối tuần

Tại TPHCM, những ngày cuối tuần, người ta dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm phượt rồng rắn hòa mình vào những chuyến đi du lịch trong ngày như thế. Có nhóm đi bằng xe đạp, xe máy nhưng cũng có nhóm chọn phượt bằng… xe buýt. Lựa chọn những tuyến xe buýt nối nhau, họ đi tới mọi ngõ ngách của thành phố để tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Kinh nghiệm phượt trong thành phố lại được họ chia sẻ lên trên mạng xã hội với những đánh giá, góp ý, tư vấn kiểu “người đi trước rước người đi sau”. Như nhóm Quân - Tùng - Hòa chúng tôi gặp trước Bưu điện Thành phố (quận 1) sáng Chủ nhật vừa rồi. Nhóm khoe trong vòng chưa tới một năm nhưng đã “check-in” (đánh dấu) đủ các quận huyện, khám phá gần hết các điểm đến được giới thiệu làm điểm nhấn trong bản đồ du lịch thành phố.

Ngày cuối tuần ở thành phố

“Muốn biết sức sống TPHCM như thế nào, hãy tới trung tâm thành phố vào ngày cuối tuần”, Blogger (người viết nhật ký mạng) du lịch Thanh Nguyện nói với người viết. Trước đại dịch, khu vực trung tâm thành phố thường chỉ tập trung khách du lịch, khách Việt (nếu có) thì đa số là các bạn trẻ đi uống cà phê bệt ở quanh công viên 30/4 (quận 1), hoặc là sinh viên đi tìm du khách nước ngoài để luyện tiếng Anh. Kể từ khi dịch lắng xuống, tình hình có nhiều đổi khác. Khu trung tâm thành phố nhộn nhịp, đầy sức sống mới bởi rất nhiều bạn trẻ chọn nơi này để đọc sách, thư giãn. Dạo quanh Nhà thờ Đức Bà (quận 1) hay thư giãn trong công viên, ghé vào Đường Sách đọc nhanh vài cuốn truyện hay đơn giản chỉ là ngồi trên vỉa hè tám chuyện, nhìn dòng xe xuôi ngược... Nhóm Quân - Tùng - Hoà mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên cho rằng những ngày đại dịch, cả thành phố vắng lặng nên khi cảm giác được nhìn sự tất bật, sôi động ở khu trung tâm mới thấy cuộc sống hồi sinh và càng thêm yêu quý mảnh đất này.

Từ sự sôi động ở khu trung tâm trong những ngày cuối tuần, nhiều cá nhân, tổ chức đã nghĩ ra những cách thức làm ăn hay kết nối hỗ trợ cộng đồng đầy sáng tạo. Quán cà phê lưu động trên chiếc xe tải nhỏ đậu trước cửa Bưu điện Thành phố vào ngày cuối tuần là một ví dụ. Với dòng chữ ấn tượng: Coffee tour in the City, mỗi khi mở cửa, quán luôn có ban nhạc Acoustic trình diễn để thu hút khách. Điều đặc biệt, dù là quán cà phê nhưng không bán cà phê theo lối thông thường. Để nhận được ly cà phê thơm ngon, khách chỉ cần đem đến trao cho nhân viên của quán một quyển sách. Số sách này sẽ được trao tặng cho học sinh nghèo vùng sâu vùng xa.

Chị Ngọc Thắm, đại diện đơn vị tổ chức Coffee tour in the City cho biết, nhiều bạn trẻ ngoài việc tới thưởng thức cà phê còn muốn tận hưởng không khí sôi động, ồn ào cùng bạn bè trong không gian công cộng. Chị Thắm lý giải, sở dĩ chọn đặt Coffee tour in the City trước Bưu điện Trung tâm bởi đây là công trình đã chứng kiến bao thăng trầm của thành phố này, tự thân nó đã mang trong mình nhiều ý nghĩa giá trị lịch sử lớn lao. Công trình Bưu điện Trung tâm thành phố cũng là nơi kết nối các vùng đất trên thế giới thông qua những lá thư, bưu phẩm… từ hàng thập kỷ về trước cho tới nay. Khách đến thưởng thức cà phê còn được thưởng thức âm nhạc, được nghe những âm thanh cuối tuần quen thuộc từ tiếng còi xe, tiếng chuông nhà thờ Đức Bà…Nhờ sự độc đáo đó, chỉ trong thời gian ngắn mở cửa, Coffee tour in the City đã có hơn 1.000 lượt khách ghé thăm và thưởng thức cà phê trong không gian tràn ngập sách và hơi thở, sắc màu của một thành phố tươi trẻ, năng động.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.