Bộ môn ván trượt đường phố (hay nhiều người còn biết đến với cái tên skateboard). Để thực hiện được các động tác múa lượn trên không cùng tấm ván, những skater đã phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ.
Thú chơi của bạn trẻ hệ "Gen Z"
Theo chia sẻ của Nguyễn Bảo Anh (sống tại quận Tân Phú) bộ môn ván trượt đã du nhập vào Việt Nam nhiều năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất “kén” người chơi. Đa phần các skater tập trung nhiều ở những thành phố lớn, vì ở đó có những địa điểm phù hợp để luyện tập cũng như có các cơ sở mua sắm trang, thiết bị phục vụ người chơi.
Độ tuổi của người chơi ván trượt cũng rất đa dạng, nhưng đa phần đều là những bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z. Những người chơi ván trượt tại TPHCM đều có những hội, nhóm riêng tại từng khu vực, từ đó sẽ tổ chức những buổi giao lưu với nhau.
Trần Quốc Long (sống tại quận 1) chia sẻ: “Vì số lượng người chơi ván trượt còn khá ít nên hầu hết mọi người đều quen biết nhau. Mỗi tuần, chúng mình sẽ lên lịch tập và chọn địa điểm để các thành viên trong khu vực tập trung lại chơi cùng nhau. Thường thì thời gian tập luyện sẽ rơi vào 16 giờ cho đến 22 giờ, thậm chí nhiều bạn hăng say đến nỗi có thể tập luyện đến tận sáng mới về”.
Nhiều người thích thú khi thấy các bạn trẻ chơi múa lượn với tấm ván trượt. |
Tại TPHCM, những địa điểm mà skater thường tập trung chơi là: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Vincom Đồng Khởi, Thuận Kiều Plaza, chân cầu Thủ Thiêm 2, công viên Gia Định, Crescent Mall… Những nơi này có điểm chung là bề mặt bằng phẳng để trượt mượt mà. Ngoài ra, theo chia sẻ của những bạn trẻ, địa điểm được chọn phải có nhiều bậc thang, lan can hoặc những hàng ghế đá để luyện tập các động tác kỹ thuật nâng cao.
Bộ môn ván trượt đòi hỏi ở người chơi rất nhiều yếu tố cả về thể lực và vật lực.
Theo chia sẻ của những bạn trẻ trượt ván tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, để bắt đầu chơi bộ môn này, người chơi tối thiểu phải có tấm ván trượt đủ tốt kèm theo một đôi giày phù hợp. Giá của mỗi tấm ván trượt trên thị trường từ 1 triệu đến khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các skater, người chơi nên mua ván trượt có xuất xứ từ châu Âu, dù giá thành khá đắt đỏ nhưng có thể đảm bảo an toàn trong khi chơi, còn đối với những ván trượt có giá vài trăm nghìn rất yếu, dễ gây nguy hiểm khi thực hiện các động tác kỹ thuật trên không.
Độ tuổi người chơi môn này rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là Gen Z. |
Cũng vì giá thành khá đắt đỏ nên nhiều phụ huynh tỏ ra e ngại khi thấy những bạn trẻ chơi môn này. Lê Minh Đức (sống tại quận 10) chia sẻ: “Hiện tại mình vẫn còn đang đi học, chưa thể kiếm được số tiền lớn đến vậy để mua ván và giày nên chủ yếu xin từ gia đình. Ba mẹ mình lúc đầu cũng không đồng ý cho mình chơi bộ môn này, vì sợ mình gặp tai nạn cũng như ảnh hưởng đến học tập. Nhưng sau một khoảng thời gian, thấy mình chơi trượt ván nhưng vẫn đảm bảo được kết quả học tập thì ba mẹ đã có cái nhìn khác”.
Nhìn thì đơn giản nhưng để làm chủ được tấm ván trượt, người chơi phải mất rất nhiều thời gian tập luyện. |
Dù có khá nhiều người tham gia, nhưng theo chia sẻ của những bạn trẻ đam mê bộ môn này, hiện nay vẫn chưa có cuộc thi chuyên nghiệp nào được tổ chức tại TPHCM, đa phần chỉ là những cuộc thi phong trào do giới trẻ và những cửa hàng bán ván trượt tự tổ chức. Vì thế, mong muốn của các bạn trẻ là bộ môn này thu hút thêm nhiều người chơi hơn và đồng thời có nhiều sân chơi chuyên nghiệp trong tương lai.