Người trẻ mê tranh cổ

Người trẻ mê tranh cổ
TP - Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1978), sinh viên khoa Pháp ĐH Ngoại ngữ đã trở thành đồng chủ nhân của một bộ sưu tập tranh Hàng Trống vào loại lớn nhất Việt Nam.
Người trẻ mê tranh cổ ảnh 1
Nguyễn Thị Nhung và bác sĩ Rapoport

Cùng với bác sĩ Mark S. Rapoport, cô mở một gallery chuyên về văn hóa truyền thống các dân tộc VN mang tên 54 Traditions tại Hà Nội.

Số phận đưa đẩy Nguyễn Thị Nhung và Mark S. Rapoport chính thức cộng tác vào tháng 9/04, khi Nhung vừa hết hợp đồng với NXB Thế giới, bác sĩ Mark thôi làm cho một dự án.

Hợp nhau lại – lúc đó số tranh của Mark đã nhiều gấp đôi của Nhung – họ làm nên một bộ sưu tập được đánh giá là lớn nhất về tranh thờ Hàng Trống gồm hơn 900 bức được thu mua từ khắp các vùng: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tam Đảo, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Năm ngoái, GS Phan Ngọc Khuê, chuyên gia về tranh Hàng Trống đã phát hiện ra kho báu của Nhung và bác sĩ Mark. Và một triển lãm quy mô gần 400 bức tranh thờ Hàng Trống đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật VN những ngày đầu tháng 3 này.

Nhung tự hào đã trưng ra những gì gọi là tinh hoa của tranh thờ Hàng Trống - ước tính từ 50 đến 200 năm tuổi. Cả Nhung và Mark đã quyết định chọn những tranh tốt nhất trong triển lãm hiến cho Bảo tàng Mỹ thuật.

5 năm qua hầu khắp các tỉnh miền núi, cô cựu SV khoa Pháp - ĐH Ngoại ngữ tâm sự: “Người phụ nữ dân tộc vất vả lắm. Mai sau mình dự định làm cái gì đó giúp phụ nữ và trẻ mồ côi trên đó”. 

Nhung dự kiến làm đồ mỹ nghệ copy từ những hiện vật mà cô đã thu thập được, chứ không muốn bán bản gốc. Cô còn muốn tổ chức những cuộc triển lãm kêu gọi người nước ngoài và các tổ chức tài trợ mua hiện vật của mình tặng lại cho bảo tàng.

Nhung chủ yếu tiêu tiền vào tranh. “Không mua ô tô, không mua xe máy đẹp”, cô vẫn giữ chiếc Best từ hồi bắt đầu mua được xe máy.

Nhung coi Mark như người thầy, người bạn, người bố. Chính Mark đã dạy Nhung từ việc lau chùi cọ rửa hiện vật đến phân biệt đồ cũ, đồ mới…

Sinh 1946, bác sĩ Mark S. Rapoport đến VN từ 1969, làm việc tại một bệnh viện ở Đà Nẵng khi nhiều bác sĩ đều bị sung vào quân đội. Hiện vật đầu tiên Mark “sưu tập” được là một chiếc rá vo gạo do một phụ nữ ở Quảng Nam cho.

Thoạt đầu, Mark quan tâm đến đồ gỗ. Từ năm 2001 ông bắt đầu sưu tầm tranh. Năm 2003, ông bà Mark đã tặng cho Bảo tàng Dân tộc học gần 200 hiện vật sau cuộc triển lãm tại đây.

Phu nhân của Mark, bà Jane Hughes - người đứng đầu trong danh sách các nhà tài trợ cho triển lãm- đại diện một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại VN. Sau 5 năm ở Hà Nội, hai vợ chồng vẫn giữ ý định sống lâu dài tại VN.

MỚI - NÓNG