Theo báo chí nạn nhân tên là Lý Á Duyên Luân (Li Yayuanlun, gọi tắt là Li Ya), sinh năm 1991 ở Giang Tô. Chiều 16/2, phóng viên trang Hongxin đã liên hệ được với Li Ya và Xiao Chen của đội tình nguyện người Hoa địa phương, người đã chăm sóc nạn nhân. Xiao Chen cho biết, sau vài ngày điều trị, tình trạng của Li Ya đã dần bình phục. “Đêm qua, anh ấy bắt đầu đi lại được”. Khi Li Ya nói chuyện với phóng viên, giọng vẫn rất yếu. Li Ya nói, điều muốn làm nhất là mua vé máy bay để về Trung Quốc ngay khi sức khỏe hồi phục.
Các bác sĩ cấp cứu cho Li Ya |
Tối 16/2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia thông báo cho biết đã nhận được thông tin liên quan, Đại sứ quán rất coi trọng và yêu cầu bệnh viện nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. Hiện cảnh sát tỉnh Sihanoukville, Campuchia đã chính thức thụ lý vụ việc; đồng thời, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đang phối hợp triển khai các công tác điều tra liên quan, nỗ lực giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất.
Tình nguyện viên Xiao Chen cho biết, đã đến chăm sóc Li Ya tại trạm cứu hộ từ ngày 11/2. “Li Ya được một người Hoa tốt bụng đưa đến. Lúc đó, anh nằm trên xe lăn, rất yếu và không thể nói được”. Theo lời kể của người này, Li Ya đã lẻn ra khỏi hang ổ của nhóm lừa đảo qua mạng, sau đó liên lạc với ông thông qua trang mạng xã hội của người Hoa ở Campuchia. Ông đã đón được Li Ya và đưa đến trạm cứu hộ.
3 giờ chiều ngày 11/2, xe cấp cứu từ Bệnh viện Trung Quốc-Campuchia Số 1 đã đến trạm cứu hộ để đón Li Ya. Khi Li Ya được đưa đến bệnh viện, ngoại trừ cánh tay phải, toàn thân của anh ta sưng tấy, các vết kim lấy máu chi chít ở cánh tay và đầu. Xiao Chen nói: “Khi nhập viện, tính mạng của Li Ya đã ngàn cân treo sợi tóc. Ngồi trên ghế, anh ta không còn sức và không thể tự nâng đầu lên được. Khi bác sĩ lấy máu xét nghiệm đã không thể lấy được máu”.
Nạn nhân Li Ya đang bình phục dần tại bệnh viện sau khi được cứu |
Giám đốc Bệnh viện nói Li Ya đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm sau khi được truyền 8 túi máu (350ml/túi, tương đương 2.800ml). Ông cho biết, khi Li Ya nhập viện, do thiếu máu cục bộ nghiêm trọng, vùng bìu bị phì đại, mạch máu bị teo, toàn thân sưng phù. Do bắt buộc phải lấy máu xét nghiệm Li Ya, y tá trưởng hơn 30 năm kinh nghiệm cũng không tìm thấy mạch máu, đã phải cắt da đùi tìm mạch máu. “Li Ya bị rút hết máu, đã cận kề cái chết. Anh ta cũng bị thiếu máu trầm trọng, phù nề, cổ trướng, xơ gan và nhiều biến chứng khác”.
Với sự giúp đỡ của Xiao Chen, phóng viên Hongxing đã trò chuyện với Li Ya trên giường bệnh. Li Ya kể, anh ta lớn lên trong trung tâm phúc lợi ở Giang Tô, năm 14 tuổi bắt đầu đi làm thuê rồi đến Bắc Kinh và Thâm Quyến. Tháng 6/2021, Li Ya đã đọc quảng cáo tuyển dụng trên trang web “58.com”, sau đó đến Sùng Tả, Quảng Tây để phỏng vấn và bị khống chế. “Do tôi quá tin vào trang quảng cáo tuyển dụng “58.com”, họ nói trả lương cao, nhưng sau khi đến Bằng Tường thì bị bắt cóc đưa sang Campuchia”.
Li Ya bị đưa đến hang ổ lừa đảo qua Internet ở Cảng Sihanoukville, Campuchia. “Công việc là giả làm phụ nữ để trò chuyện trực tuyến với những người trong nước và lừa tiền của họ”. Li Ya nói rằng nếu anh không tuân theo sự sắp đặt, sẽ bị đánh và bị chích điện. Bắt đầu từ tháng 8/2021, Li Ya bị rút máu trong suốt gần nửa năm. Li Ya nói với phóng viên rằng, vì anh ta từ chối tham gia trò lừa đảo qua mạng nên đã bị bán lại nhiều lần và cứ một tháng rưỡi bị họ đưa bác sĩ đến rút máu một lần, mỗi lần 1.500ml, tổng cộng máu đã bị rút 7 lần.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia một lần nữa nhắc nhở những công dân Trung Quốc muốn làm việc tại Campuchia hãy theo dõi các kênh chính thức và không tin vào những quảng cáo sai sự thật về việc làm có lương cao. Trong trường hợp bị lừa đảo, bắt cóc, hạn chế tự do cá nhân,… phải cố gắng trình báo vụ việc với cảnh sát Campuchia càng sớm càng tốt và thông báo tình hình cho đại sứ quán để cảnh sát kịp thời lập hồ sơ điều tra phá án.
Sự kiện “huyết nô” (nô lệ máu) Li Ya đã gây rúng động cả xã hội Trung Quốc. Phóng viên đã phỏng vấn A Long, người điều hành tài khoản WeChat chính thức chuyên vạch trần những vụ lừa đảo, bắt cóc gây nên những cái chết oan ức của người Hoa ở Campuchia. Ông thẳng thắn, những vụ như “huyết nô” Li Ya không phải là điều hiếm, điều đáng quan tâm hơn là những vụ bắt cóc và giết người.
Theo trang The Paper, để đối phó với xu hướng mới chuyển các ổ lừa đảo ra nước ngoài, cảnh sát Trung Quốc nhấn mạnh các chiến dịch trấn áp tội phạm ở nước ngoài sẽ không dừng lại. Theo ông Lưu Trung Nghĩa (Liu Zhongyi), Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự Bộ Công an Trung Quốc, tính đến tháng 9/2021, đã bị đưa về Trung Quốc 2.681 nghi phạm lừa đảo và 2.219 người đã được phê duyệt bắt giữ. Tính đến nay đã có 19.000 nghi phạm lừa đảo đã bị bắt đưa về từ Campuchia, Philippines , Myanmar, Việt Nam.