Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ

Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ. Ảnh: BBC.
Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ. Ảnh: BBC.
TPO - Chính quyền một số thành phố lớn tại Anh đang xem xét việc dỡ bỏ bức tượng của một số nhân vật gây tranh cãi, thay tên các con đường hoặc tòa nhà có liên quan đến chế độ nô lệ sau khi hàng ngàn người biểu tình đã tràn ra đường để phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại đảo quốc sương mù cuối tuần qua.

Trong ngày hôm qua (9/6), cơ quan quản lý các con sông và kênh rạch tại Anh (Canal & River Trust) đã quyết định dỡ bỏ bức tượng của một thương nhân buôn bán nô lệ khét tiếng trong thế kỉ 18 tại nước này là Robert Milligan được đặt ở bên ngoài bảo tàng của bến cảng London Docklands, tọa lạc ở phía Đông thủ đô London.

Cơ quan này cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi ‘xem xét thấu đáo’ nguyện vọng của những người dân sinh sống tại khu vực này và sau khi bức tượng của Robert Milligan được nhấc lên khỏi bệ đỡ bằng một chiếc cần cẩu, những người đứng xem đã đồng loạt vỗ tay và reo hò.

Trước đó, thị trưởng London Sadiq Khan cũng khẳng định sẽ cho các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các bức tượng cùng tên các con đường tại thủ đô này và cho biết bất kì một bức tượng hay con đường nào có liên quan đến chế độ nô lệ cũng ‘nên được gỡ bỏ’.

Theo thống kê của đài BBC, bên cạnh bức tượng của Robert Milligan, hiện tại ở thủ đô London còn ít nhất 2 bức tượng có liên quan đến chế độ này bao gồm bức tượng của Thomas Guy, người từng buôn nô lệ đến các thuộc địa của Tây Ban Nha trước đây và bức tượng của John Cass, một nhân vật chính trong sự phát triển bước đầu của việc buôn bán nô lệ tại vùng biển Đại Tây Dương.

Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ ảnh 1 Bức tượng Thomas Guy tại thủ đô London. Ảnh: Getty Images.

Trong khi đó, tại thành phố Bristol ở phía Tây Nam nước Anh, nơi cuối tuần qua đã xảy ra sự việc những người biểu tình giật đổ và ném xuống sông bức tượng của Edward Colston, một thương nhân buôn bán nô lệ ở thế kỉ 17 tại Anh, cơ quan quản lý văn hóa-nghệ thuật ở thành phố này cũng đã cam kết sẽ đổi tên một địa điểm tổ chức hòa nhạc nổi tiếng của Bristol, hiện tại có tên là Colston Hall, trước mùa thu năm nay.

Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ ảnh 2 Nhà hát Colston Hall. Ảnh: BBC.

Sự kiện bức tượng Edward Colston bị giật đổ và ném xuống sông cũng làm ‘sống lại’ phong trào đòi dỡ bỏ bức tượng của Cecil Rhodes trên một tòa nhà của trường Đại học Oxford với cái tên ‘Rhodes Must Fall’ đã từng ‘chết yểu’ hồi năm 2016. Được biết đây một trong những người đã đặt nền móng cho chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi trong thời kì Vương quốc Anh đô hộ quốc gia này.

Trong ngày hôm qua, hơn một nghìn người biểu tình với sự ủng hộ của một thành viên thuộc hội đồng thành phố Oxford và một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do Anh đã tập trung bên ngoài trường Đại học Oxford trong ôn hòa để yêu cầu dỡ bỏ bức tượng nói trên.

Anh cân nhắc dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến chế độ nô lệ ảnh 3 Bức tượng Cecil Rhodes tại Đại học Oxford. Ảnh: WP

Phản ứng trước sự việc đòi dỡ bỏ bức tượng Cecil Rhodes, Đại học Oxford cho biết ban giám hiệu của trường ‘sẽ tiếp tục thảo luận’ vấn đề này nhưng tạm thời bức tượng vẫn sẽ được giữ nguyên ở vị trí hiện tại.

Đã có những ý kiến cho rằng việc có thể sẽ mất số tiền tài trợ lên đến 100 triệu Bảng Anh cho việc bảo trì các bức tượng trong trường là nguyên nhân chính của quyết định trên, tuy nhiên phía Đại học Oxford đã phủ nhận việc này. 

Ở một diễn biến khác, chính quyền của một số thành phố khác trên khắp nước Anh và xứ Wales cũng khẳng định sẽ xem xét ‘tính phù hợp’ của tất cả các bức tượng cùng di tích lịch sử tại các địa phương do họ quản lý.

Theo Theo BBC và The Guardian
MỚI - NÓNG