Tranh cãi gay gắt về làn sóng biểu tình tại Vương quốc Anh

Người biểu tình Anh tiến về ĐSQ Mỹ ở phía Nam thủ đô London. Ảnh: Joey Kong.
Người biểu tình Anh tiến về ĐSQ Mỹ ở phía Nam thủ đô London. Ảnh: Joey Kong.
TPO - Vương quốc Anh đã trải qua một cuối tuần ‘không ngủ’ sau khi hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đảo quốc sương mù và một số chính trị gia cùng các tầng lớp xã hội tại Anh đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Trên trang cá nhân Twitter của mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án các hành vi tấn công cảnh sát của những người biểu tình quá khích. Ông khẳng định người dân Anh có quyền được biểu tình trong hòa bình với điều kiện phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội do dịch COVID-19 và họ không được phép tấn công lực lượng an ninh.

Đồng thời, ông Johnson cũng nhận định các cuộc tuần hành đã bị phá hoại bởi những kẻ côn đồ đang “phản bội lại mục tiêu chính” của cuộc biểu tình là phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Thủ tướng Anh nhấn mạnh những cá nhân nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Anh về những hành vi quá khích của mình.

Tranh cãi gay gắt về làn sóng biểu tình tại Vương quốc Anh ảnh 1 Những người biểu tình vây kín Quảng trường Quốc hội ở thủ đô London.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến sự việc những người biểu tình Anh giật đổ bức tượng của Edward Colston, một thương nhân buôn bán nô lệ ở thế kỉ 17 tại Anh, và ném xuống sông ở thành phố Bristol, cảnh sát thành phố này xác nhận sẽ vào cuộc điều tra nhằm truy tố các kẻ chủ mưu về tội phá hoại tài sản.

Bình luận về sự việc này, lãnh đạo Công Đảng đối lập Keir Starmer khẳng định hành động trên của những người biểu tình là “hoàn toàn sai trái” và cho rằng bức tượng Edward Colston thay vì bị giật đổ, nên được dỡ bỏ một cách tử tế với sự cho phép của chính quyền thành phố Bristol và đưa vào một viện bảo tàng.

Tranh cãi gay gắt về làn sóng biểu tình tại Vương quốc Anh ảnh 2 Một bức tượng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đã bị phá hoại. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, bà Paulette Simpson, chủ biên một tờ báo nổi tiếng dành cho người da màu tại Anh đã đặt câu hỏi ‘tại sao đến thời điểm này tại quốc gia này vẫn còn các tượng đài hay tên của một số con đường làm gợi nhớ lại “một quãng thời gian đen tối’ trong dòng chảy của lịch sử thế giới?”.

Bà Simpson kêu gọi Chính phủ Anh cùng các cơ quan chức năng nước này cần xem xét những nguyện vọng dỡ bỏ một số biểu tượng từ phía người dân nhằm tránh những hành động bột phát như ở tại thành phố Bristol, đồng thời bà cũng hối thúc những người biểu tình Anh cần phải biết tự kiềm chế bản thân và kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình.

Tranh cãi gay gắt về làn sóng biểu tình tại Vương quốc Anh ảnh 3 Một cuộc biểu tình tại thành phố Glasgow (Scotland). Ảnh: EPA.

Trong cả hai ngày cuối tuần qua, tại thủ đô London và một số thành phố trên khắp Vương quốc Anh bao gồm Bristol, Manchester, Wolverhampton, Nottingham, cùng hai thành phố Glasgow và Edinburgh ở Scotland đã ghi nhận hàng nghìn người biểu tình đổ ra đường tham gia vào các cuộc tuần hành trên rất nhiều các con phố nhằm hưởng ứng phong trào ‘Black Lives Matter’ (mạng sống của người da đen quan trọng).

Mặc dù đa số các cuộc biểu tình đều diễn ra trong ôn hòa, một số cảnh bạo lực và hỗn loạn đã xảy ra tại một số nơi, trong đó có thủ đô London khi những người quá khích đã có hành vi ném chai nước hoặc vật thể lạ về phía lực lượng an ninh khiến cho một số sĩ quan bị thương.

Tranh cãi gay gắt về làn sóng biểu tình tại Vương quốc Anh ảnh 4 Một sĩ quan cảnh sát Anh bị thương sau khi đụng độ với người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Sau đó, lực lượng an ninh trong trang phục chống bạo động phải vào cuộc và sở cảnh sát London đã ban hành một lệnh giải tán đám đông tại quận trung tâm Westminster từ tối ngày chủ nhật (7/6) đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Theo Theo BBC và The Guardian
MỚI - NÓNG