Các quan chức cấp cao của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã khẩn thiết đề nghị thủ tướng Anh Boris Johnson cần phải có một chiến lược toàn diện nhằm chuẩn bị cho việc ‘làn sóng COVID-19’ thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra tại quốc gia này, nhất là khi Đảng Bảo thủ cầm quyền và bản thân vị thủ tướng 55 tuổi đang liên tục ‘mất điểm’ trước người dân Anh trong việc xử lý đại dịch.
Được biết, trong một cuộc thăm dò dư luận được tờ The Observer tiến hành, niềm tin của người dân Anh vào khả năng của chính phủ nước này trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 đã giảm 21 điểm kể từ khi nước này bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, đồng thời tổng số người ‘không tin’ vào chính phủ Anh trong việc xử lý đại dịch đã tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, thế thượng phong của Đảng Bảo thủ cầm quyền trước Công Đảng đối lập trong các cuộc thăm dò tín nhiệm cũng gần như không còn khi chính đảng của thủ tướng Anh Boris Johnson từ chỗ hơn Công Đảng 26 điểm tín nhiệm hồi đầu tháng 4, giờ chỉ còn hơn đối thủ 3 điểm trong cuộc thăm dò mới nhất.
Các chuyên gia y tế hàng đầu của NHS cũng khuyến cáo chính phủ Anh không nên tiếp tục nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến khi hệ thống theo dõi và truy vết người nghi nhiễm COVID-19 được đưa vào hoạt động một cách trơn tru.
Không chỉ có vậy, các quan chức cấp cao của NHS cũng cáo buộc chính phủ nước này không có một chiến lược toàn diện trong việc chống dịch COVID-19 và né tránh một đánh giá “cởi mở và trung thực” về mức độ ảnh hưởng cụ thể của đại dịch toàn cầu này đối với nước Anh.
“Điều khiến chúng ta cần thực sự quan tâm hiện nay là việc người dân Anh không có sự tin tưởng đối với chính phủ khi họ không có những cuộc tranh luận trung thực và cởi mở để có thể đóng góp ý kiến. Đồng thời chính phủ Anh dường như đang lạm dụng các ‘biện pháp tu từ chính trị’ để phóng đại về khả năng chống dịch COVID-19 của họ, trong khi vẫn còn rất nhiều thiếu sót…”, giáo sư Chris Hopson, CEO của NHS Providers, bày tỏ quan điểm của mình.
Những cảnh báo về một ‘làn sóng COVID-19’ thứ 2 tại Anh đã được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình tại nước này trong ngày hôm qua (6/6) đã bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng để tổ chức các cuộc tuần hành tại một số thành phố của đảo quốc sương mù để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc ‘có hệ thống’ tại các nước phương Tây nói chung sau cái chết của công dân George Floyd ở Mỹ cách đây gần 2 tuần.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel đã phải lên tiếng kêu gọi người dân nước này cần tiếp tục hạn chế tham gia các sự kiện tập trung đông người, nhất là khi các nhà khoa học đã có những bằng chứng cụ thể về việc đây là một trong những biện pháp hiệu quả và quan trọng nhất trong thời gian các nước châu Âu phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19.